Hai Đại học Quốc gia đề nghị sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Hồng)
Ngày 7/12, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ, bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Chương trình khảo sát nhằm tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn tình hình tổ chức triển khai thực hiện tự chủ đại học thời gian qua, đặc biệt là về những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về tự chủ đại học và thực hiện bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
3 cấp quản lý
Tại cuộc họp, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, kể từ năm 2013 đến nay, ĐHQGHN được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này, đồng thời đã phân chia thành 03 cấp quản lý:
– Cấp ĐHQGHN thực hiện chức năng quản lý vĩ mô; kiểm tra, giám sát, điều phối, liên kết các đơn vị và trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành, liên lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng;
– Cấp đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc được chủ động cao trong tổ chức và hoạt động nhằm phát huy lợi thế chuyên môn riêng, nhưng vẫn đảm bảo cơ chế liên thông, liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQGHN để phát triển;
– Cấp khoa, viện, trung tâm và tương đương trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc là cấp quản lý vi mô, triển khai và tác nghiệp trực tiếp.
Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia và Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên quy định, ĐHQG là cơ sở giáo dục công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa và tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đảm bảo trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của ĐHQGHN. Do đó, ĐHQGHN cho phép các đơn vị chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù.
Quản trị trong ĐHQGHN được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra. Chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục trong ĐHQGHN được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng. Đồng thời, ĐHQGHN khuyến khích các trường thành viên tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và quá trình hội nhập.
Theo Giám đốc Lê Quân, với mô hình đặc thù, hai ĐHQG được quyền tự chủ cao về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và về tài chính, tài sản.
Giám đốc ĐHQGHN cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các điều kiện tự chủ: Việc triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; Việc phân định mức độ tự chủ của các trường đại học thành viên trong bức tranh tự chủ chung của ĐHQGHN; Việc phân loại tổ chức, cơ chế chính sách về điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc của ĐHQGHN.
Về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, ĐHQGHN gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế, bất cập. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đề xuất, kiến nghị được Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn cho hai ĐHQG trong các văn bản Nghị định và Quy chế mới thay thế Nghị định 186 và Quy chế 26.
Gặp vướng trong Luật Giáo dục đại học?
Chia sẻ khó khăn và đề xuất một số kiến nghị của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị gặp nhiều vướng mắc phát sinh khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 do các văn bản dưới luật chưa thống nhất, chồng chéo. Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nêu những bất cập về tự chủ đại học được quy định tại Luật Giáo dục Đại học 2018.
Đồng quan điểm với Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cũng đưa ra kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các văn bản dưới luật để trao quyền tự chủ cao nhất cho hai ĐHQG, cùng với đó gắn với chất lượng cao và trách nhiệm xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc gia.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận và chỉ ra một số bất cập cần tháo gỡ trong quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong quá trình triển khai Luật Giáo dục Đại học bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và hai ĐHQG nói riêng.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phân định rõ vai trò của hội đồng trường, hội đồng ĐHQG cũng như các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển nghiên cứu khoa học, gắn chặt nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, từ đó tạo nguồn lực tài chính để tự chủ đại học.
Bàn về sự khác biệt trong chất lượng đào tạo của ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục đại học khác, hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh khẳng định, hoạt động kiểm định chất lượng ở ĐHQGHN được tiên phong triển khai từ ngày đầu thành lập. Các hoạt động kiểm định gắn định chất lượng trường thành viên và khoa trực thuộc ĐHQGHN, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình giáo dục với Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục trong ĐHQGHN được xây dựng khoa học, thực hiện đều đặn theo các chu kỳ nghiêm túc, đầy đủ.
Về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học, ông Đỗ Chí Nghĩa – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng có tiêu chí, cách đánh giá và tính hệ thống chung để đảm bảo sự công bằng. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đưa ra ý kiến về kiểm định chất lượng chéo giữa hai ĐHQG, từ đó tạo ra mô hình về đánh giá, kiểm định của 2 tổ chức giáo dục đại học lớn nhất của cả nước.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học có tính tự chủ cao. Bên cạnh vấn đề kiểm định chất lượng thì việc đánh giá các cơ sở giáo dục đại học thông qua hệ thống xếp hạng đại học trong nước cũng là một trong những điểm thể hiện trách nhiệm giải trình. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có những nhìn nhận, đánh giá để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng, đảm bảo tự chủ đại học về mọi mặt.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần được giao đồng bộ, bao gồm tự chủ nguồn lực, tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu…; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính…
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Với sứ mệnh và cơ chế được Đảng và Nhà nước giao phó, hai ĐHQG đã luôn nỗ lực để có sự phát triển tương xứng, những đột phá đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập của văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của đại biểu, đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về tự chủ đại học, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện để hai ĐHQG “cất cánh”, làm tròn trách nhiệm quốc gia.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng điểm qua một số vấn đề hai ĐHQG cần làm rõ về tự chủ tài chính, tự chủ về tổ chức bộ máy và tự chủ về chuyên môn, nghiên cứu khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Việc thành lập hai ĐHQG là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Đồng thời mong muốn hai ĐHQG tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh nòng cột, đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học”.
Nhật Hồng
Ban TT&SV