Chuyển đổi số giáo dục: Thách thức và kỳ vọng
Hội thảo “Chuyển đổi số giáo dục: Thách thức và kỳ vọng” diễn ra sáng 3/12.
GDVN- Ngày 3/12, Làng Công nghệ Giáo dục (Edtech) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi số giáo dục: Thách thức và kỳ vọng”.
Tham dự cuộc hội thảo về phía ban tổ chức có ông Đỗ Nguyên Hưng – Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021; Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội; ông Phạm Tuấn Hiệp – Đồng trưởng làng Công nghệ giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc ươm tạo tại BK Holdings; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà – Đồng trưởng làng Công nghệ giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Trường Đại học Ngoại thương; ông Nguyễn Trí Hiển – Đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc điều hành tại Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ TECHFEST 2021 – Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động đa dạng giúp cho hệ thống giáo dục của Việt Nam và quốc tế hợp tác, gắn kết bền vững nhằm thích ứng và chuyển đổi mô hình, phương pháp giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài.
Hội thảo trực tuyến tập trung vào hai khía cạnh nổi bật nhất là thách thức và khó khăn của ngành giáo dục Việt Nam gặp phải hậu đại dịch Covid-19 và những giải pháp giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghệ – giáo dục thích ứng và chuyển đổi mô hình, phương pháp giáo dục, trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.
Với sứ mệnh truyền tải thông điệp “Giảng đường online – Kiến thức tương lai” và mục đích kết nối ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp, hội thảo là nơi các chuyên gia thảo luận về các giải pháp giáo dục, các doanh nghiệp, CEO, founder trình bày những giải pháp ứng dụng công nghệ giáo dục trong thực tiễn. Từ đó kết nối các giải pháp chuyển đổi mô hình giáo dục trong và sau đại dịch.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Đỗ Nguyên Hưng – Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021 – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội nhận định:
“Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Điều này làm cho chuyển đổi số trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay từ bậc mầm non cho đến đại học diễn ra rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số thành công thì giáo dục Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó việc đồng bộ hệ sinh thái giáo dục số trong thời gian tới đây cần được quan tâm nhiều hơn và công nghệ giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”.
Cũng theo ông Đỗ Nguyên Hưng, hiện nay các cơ sở giáo dục có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm, giải pháp công nghệ trong quản lý dạy và học. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì rào cản lớn nhất đó chính là nhận thức và tư duy của một bộ phận giáo viên, giảng viên về công tác chuyển đổi số.
Ngày nay, chuyển đổi số không còn chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học.
Thạc sĩ Đỗ Đức Lân, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu:
“Trong 2 năm vừa qua, chuyển đổi số đã được quan tâm thực hiện, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã có những chuyển biến to lớn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều văn bản, hướng dẫn để áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong dạy và học”.
Thạc sĩ Đỗ Đức Lân cho rằng, để đảm bảo chuyển đổi số trong ngành giáo dục sẽ có nhiều nhiều giải pháp khác nhau như nâng cao chất lượng đào tạo về hạ tầng công nghệ, đảm bảo hạ tầng quản lý, đảm bảo hệ thống chính sách. Điều quan trọng chúng ta cần nhìn nhận là đối tượng cần quan tâm trong quá trình này là các em học sinh và thầy cô.
Chính vì vậy, trong năm 2020, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng khung năng lực số cho học sinh, đề xuất áp dụng cho học sinh từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, gồm có 7 miền năng lực.
Khung năng lực số đề cập đến kiến thức, kỹ năng và thái độ cho phép trẻ phát triển và phát huy tối đa khả năng trong thế giới công nghệ số ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu, một thế giới mà trẻ vừa được an toàn, vừa được trao quyền theo cách phù hợp với lứa tuổi cũng như phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả là startup, giám đốc những công ty về công nghệ giáo dục cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng thực tế và phát triển nội dung số trong giáo dục.