Tự chủ đại học: Cẩn trọng theo mốt phát triển thành “Đại học” GS.TS Nguyễn Hữu Đức
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Chủ trương phát triển các “Trường đại học” thành “Đại học” là một điểm mới quan trọng của Luật Giáo dục đại học nói chung và Nghị định 99 nói riêng. Tuy nhiên, cần cẩn trọng theo mốt này.
Phát triển thành đại học là quá trình tái cấu trúc để thực hiện tự chủ
Việc chủ trương phát triển các trường đại học thành đại học là một điểm mới quan trọng của Luật Giáo dục đại học nói chung và Nghị định 99 nói riêng. Trong lúc các trường đại học của Việt Nam chủ yếu là đơn lĩnh vực, thì chủ trương này sẽ khuyến khích phát triển và hình thành thêm các đại học đa lĩnh vực, đúng như bản chất của từ universal vốn có của đại học.
Hơn thế nữa, đấy cũng là giải pháp để có thể xây dựng được một số đại học mạnh, làm đầu tàu và biểu tượng quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, chúng ta cũng kỳ vọng có được một số đại học tham gia vào “câu lạc bộ nghìn tỷ”. Trong các đại học như vậy, các đơn vị trực thuộc bên trong nó cần được tái cấu trúc để thực hiện quản trị và tự chủ hiệu quả.
Hiện nay, mô hình các khoa truyền thống đã quá bất cập, không hỗ trợ phát triển các vấn đề liên ngành, ví dụ như các chương trình đào tạo và dự án nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo. Mô hình khoa và bộ môn chủ phù hợp với đào tạo và nghiên cứu đơn ngành, với việc viết bài báo và công bố quốc tế.
Theo kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm KHCN, việc phải liên kết các nhóm nghiên cứu liên ngành là rất cần thiết để kết nối từ ý tưởng, bí quyết, đến vật liệu, chế tạo, điện tử và cả kiểu dáng công nghiệp…
Hơn thế nữa, sự thành công của các đại học luôn hàm chứa rủi ro và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo. Việc tổ chức mô hình trường trong trường tạo điều kiện phân cấp tự chủ, trao quyền lãnh đạo để dẫn dắt sự phát triển, tạo động lực đồng thời giảm thiểu rủi ro tập trung. Có thể nói gọn phát triển thành đại học là quá trình tái cấu trúc để thực hiện tự chủ.
Cẩn trọng, tránh duy ý chí và theo mốt
Tuy nhiên, chỉ cái áo thôi chưa mang lại được điều gì. Ngay như các Đại học Quốc gia (ĐHQG) đã có của chúng ta, hơn 1/4 thế kỷ đã qua, mặc dù đã thành công trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện. ĐHQG đã và nên luôn là một sandbox – là môi trường thử nghiệm độc lập, cho phép người dùng chạy các chương trình hoặc các giải pháp thực thi mà không gây hại, làm hỏng các ứng dụng, hệ thống hoặc nền tảng.
ĐHQG cũng như các đại học vùng, nếu không làm giảm chi phí cận biên (marginal cost) và không có giá trị gia tăng thì tự nhiên lại thêm một cấp lãng phí và cản trở phát triển.
Vậy nên, việc tổ chức lại và phát triển thành đại học cần phải được “mô phỏng” cẩn trọng, tránh duy ý chí và theo mốt. Cần phải xây dựng và sử dụng bộ tiêu chí và công cụ phân tích đủ mạnh để xác định xem quá trình chuyển đổi và mô hình chuyển đổi có khả năng thành công hay không.
Đồng thời, với đó là công tác quy hoạch hệ thống và mạng lưới, nhất là đối với các trường đại học công lập. Bên cạnh việc tái cấu trúc và phát triển tự bên trong, việc tích hợp thêm sự tham gia của một số trường đại học từ bên ngoài cũng có thể là một cách đi nhanh, được tạo đà nhờ các nguồn lực đã có.
Nếu một số trường đại học đơn ngành có thể vượt qua được sự cục bộ, cùng hướng đến lợi ích chung, cùng tự nguyện liên kết lại thành đại học thì sẽ rất hiệu quả. Tựu chung lại, để quá trình tái cấu trúc này thành công thì ngoài khát vọng tập thể, cần có người lãnh đạo có năng lực và nhiệt huyết. Rất cần vai trò của cá nhân để xây dựng và dẫn dắt văn hóa đổi mới.
Cần thiết nhưng không nên đại trà
Không phải cứ đại học là tất cả đều kỳ vọng tiếp tục trở thành ĐHQG. Việc thành lập hai ĐHQG ở nước ta có hoàn cảnh, yêu cầu và sứ mệnh lịch sử của nó. Rất cần thiết nhưng không nên đại trà.
Thêm vào đó, cần phải thúc đẩy nhanh quá trình quy hoạch lại các trường sư phạm. Mặc dù cho đến nay chưa có ý tưởng nào đề nghị phát triển một trường đại học sư phạm thành đại học.
Tuy nhiên, nếu có chăng, nên phát triển thành các đại học trong đó có trường sư phạm là một thành viên, chứ không phải phát triển thêm các lĩnh vực kinh tế và công nghệ kỹ thuật từ cái lõi sư phạm.
Trong tiến trình đổi mới căn bản, phát triển sư phạm với sự hỗ trợ và đồng hành của tư duy và nền tảng đổi mới sáng tạo là một giải pháp nên được quan tâm. Tư duy và phương pháp giáo dục cần phải được nuôi dưỡng và bổ sung thêm từ tư duy và tiếp cận các ngành kinh tế và kỹ thuật khác.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Ban TT&SV