Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2021
Từ tháng 8 này, có 3 chính sách mới về giáo dục bắt đầu có hiệu lực liên quan tới chuẩn đầu ra của đại học, đào tạo tiến sĩ và tuyển sinh trung cấp, cao đẳng.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học
Từ ngày 7/8,Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực và thay thế Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học.
Theo quy định tại Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học được chia thành 3 tiêu chí: Kiến thức; Kỹ năng; Năng lực tự chủ và trách nhiệm.
Còn theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp.
Chuẩn đầu ra được quy định như sau:
– Phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo.
– Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.
– Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.
– Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
– Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực.
– Phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần.
– Phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.
Các quy định mới về đào tạo trình độ tiến sỹ
Từ ngày 15/8, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ có hiệu lực và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.
Theo Thông tư 18, có một số thay đổi trong đào tạo trình độ tiến sĩ
Cụ thể, quy định hiện hành quy định thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng. Còn Thông tư 18 quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng); Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng).
Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.
Các quy định về công bố khoa học khi dự tuyển, yêu cầu đầu ra của nghiên cứu sinh, số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn tại cùng thời điểm, minh chứng năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn, phản biện độc lập, hội đồng đánh giá luận án ở cơ sở đào tạo… cũng có sự thay đổi so với Thông tư 08.
Đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp
Từ ngày 22/8, Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực và thay thế Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH.
Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp như sau:
Đối với trình độ trung cấp: Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng: Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (Hiện hành, có quy định trường hợp “tương đương”).
– Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định.
Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài, nếu có đủ một số điều kiện sẽ được đăng ký dự tuyển học trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ban TT&SV