HỘI THẢO KHOA HỌC – THỰC TIỄN CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN
Ngày 27/8/2019 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II tổ chức Hội thảo Khoa học – Thực tiễn với chủ đề nói trên.
Hội thảo đột xuất nhưng được hưởng ứng nhiệt tình
Đây là hội thảo được Hiệp hội quyết định tổ chức đột xuất, nhằm hưởng ứng và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp gần đây vào đầu tháng 8/2019. Trong thời gian 20 ngày từ khi thông báo về hội thảo,Văn phòng Hiệp hộiđã nhận được hơn 20 báo cáo tham luận từ các nhà quản lý, nhà giáo và nhà khoa học từ khắp miền đất nước.Chứng tỏ đây là vấn đề được hầu hết các trường sư phạm và trường có đào tạo giáo viên trong cả nước rất quan tâm.
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu. Tại hội thảo, ngoài một số báo cáo tham luận trình bày tóm tắt, còn có khá nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất, kiến nghị của đại diện các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các trường đa ngành có đào tạo giáo viên nhưng chưa kịp viết bài tham luận gửi tới hội thảo. Hội thảo dự kiến một buổi sáng, nhưng phải kéo dài đến 13 h 30 mới kết thúc.
Đây là hội thảo khoa học – thực tiễn ghi dấu ấn quan trọng trong việc sắp xếp lại hệ thống, mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài của ngành sư phạm nước nhà.
Những vấn đề đặt ra khá nóng, thảo luận sôi nổi
-Năm nay, Luật Giáo dục sửa đổi (2019) sẽ có hiệu lực, theo đó cần nâng chuẩn giáo viên các cấp lên trình độ đại học, chỉ có giáo viên mầm non là ở trình độ cao đẳng. Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã khởi động. Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo các nhà trường sư phạm phải đào tạo nhà giáo dục thay cho việc đào tạo “thợ dạy” như lâu nay.
-Cần Thêm vào đó các trường CĐSP đều là đối tượng giảm đầu mối, giảm nhân sự theo tinh thần NQ-19 của BCH TƯ Đảng. Thực tiễn trên đang làm cho tình hình phức tạp thêm. Các địa phương không tránh khỏi lúng túng, có thể có quyết sách vội vàng, lợi ít mà hại nhiều.
-Các báo cáo tham luận in trong tập kỷ yếu và một số ý kiến thảo luận tại hội thảo đều trực tiếp, hoặc gián tiếp bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí có cả những ý kiến bức xúc, lo lắng đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Trong khi ngành giáo dục chưa hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư pham… để trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, thì nhiều địa phương đã “hăng hái, tích cực” sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng về “tiếp tụcđổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (NQ-19). Điều này đang gây lo ngại cho nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề sư phạm…
-Có báo cáo đã công phu tổng hợp và phân tích số liệu thống kê cho thấy: “Việc tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở Việt Nam chủ yếu đang được thực hiện ở các trường Đại học Sư phạm và các trường đại học đa ngành. Xét về tính bền vững và hiệu quả đầu tư thì tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là hiệu quả hơn, với nhiều lợi thế hơn là đào tạo tại các trường chuyên ngành sư phạm”. Đây cũng là vấn đề cần xem xét trong thiết kế xây dựng hệ thống các trường đại học sư phạm trọng điểm.
-Các trường Cao đẳng sư phạm hiện cả nước có 30 trường. Đây là loại hình đào tạo lâu nhất, phổ biến nhất ở nước ta với chức năng đào tạo giáo viên các trình độ cung cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và các trường dạy nghề. Vị trí vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong tương lai thế nào? Đây là vấn đề được quan tâm sâu sắc tại hội thảo này, và chắc chắn có những kiến nghị tích cực nhằm giữ vững và phát huy sức mạnh của khối trường cao đẳng sư phạm trong nhiệm vụ mới. Các đại biểu mong muốn duy trì số các trường cao đẳng sư phạm hiện có, cho phép các trường này tổ chức chuỗi trường phổ thông liên cấp theo mô hình tự chủ (như đã có trường đã và đang triển khai thành công). Cao đẳng sư phạm vừa làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc học mầm non, vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Các trường phổ thông liên cấp trực thuộc trường cao đẳng sư phạm vừa là địa chỉ dạy học chất lượng cao, có thêm nguồn thu cho trường, vừa là nơi thực thập cho sinh viên ngành sư phạm.
Kết luận hội thảo, một số vấn đề gợi mở
Chủ tịch Hiệp hội, GS.TS Trần Hồng Quân tóm tắt hội thảo và nhấn mạnh:
-Hội thảo của chúng ta hôm nay không chỉ tìm giải pháp “giải cứu” các trường sư phạm, mà phải tìm được các quan điểm chung chi phối hoạt động của cả hệ thống đào tạo giáo viên của ta.Dự thảo đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm” của Bộ GD&ĐT với cách đặt vấn đề như vậy có trúng không? Hiện nay có tới 154 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó hơn một nửa là đào tạo giáo viên tại các trường đa ngành. Vậy chỉ sắp xếp các trường sư phạm, thì có bao quát vấn đề này không? Nên chăng, Đề án của Bộ GD& ĐT nên lấy tên là “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên”.
-Chúng ta cần nhận thức lại cho đúng về Nghị quyết 19. Đây là Nghị quyết có đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức hành chính, nhằm sắp xếp cho gọn, giảm đầu mối, giảm nhân sự, và cuối cùng là giảm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy nhân sự đang quá cồng kềnh, không hiệu quả. Giáo dục của chúng ta, trong đó có các trường cao đẳng sư phạm cũng được các địa phương áp dụng, thành ra có khi bị làm giảm năng lực đào tạo bồi dưỡng giáo viên của hệ thống các trường sư phạm đã hình thành nhiều năm, đang phát huy và đang cần thiết cho công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
-Vấn đề tự chủ của các trường cao đẳng và đại học địa phương cũng nên sớm đặt ra, khẩn trương đi vào tự chủ. Trường tự chủ thì mới có điều kiện thành lập các trường phổ thông liên cấp làm trường thực hành. Trong các trường cao đẳng sư phạm vừa có nơi thực hành cho sinh viên, vừa có thêm nguồn thu cho nhà trường để hỗ trợ cho nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
-Thời gian tới, để có cơ sở tính toán quy mô đào tạo giáo viên, nên có thống kê, khảo sát cụ thể hơn để có những số liệu sát tình hình. Số giáo viên hàng năm nghỉ hưu, rời ngành, chuyển ngành là bao nhiêu? Số học sinh tăng lên theo dân số tăng là bao nhiêu? Khi chuẩn hóa trường lớp thì sỹ số học sinh/ một lớp học giảm xuống, giáo viên phải tăng lên bao nhiêu? Số giáo viên cần đào tạo lại, cần bồi dưỡng là bao nhiêu? Từ đó chúng ta mới đưa ra đề án sắp xếp và nâng cao hiệu quả đào tạo của toàn hệ thống đào tạo giáo viên cho sát hợp. Có thể thấy rằng, chúng ta chưa thừa giáo viên, thậm chí còn thiếu. Thông tin về con số có vài trăm nghìn giáo sinh ra trường đang thất nghiệp là chưa thuyết phục.
Nghị quyết 19 cần hiểu cho đúng, vận dụng vào sắp xếp mạng lưới đào tạo giáo viên sao cho đúng và trúng. Hệ thống đào tạo giáo viên của ta hiện nay chưa đủ mạnh, cần quan tâm hơn. Sắp xếp làm sao để năng lực của ngành giáo dục nếu không tăng thêm thì đừng có giảm đi./
Văn Đình Ưng