THÔNG BÁO SỐ 2 V/v: Tổ chức hội thảo Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ GD và HNQT
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là: (1) đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo; (2) chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Tuy nhiên cho tới nay, mặc dù đã 4 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau khi giải thích về nó.
Tháng 12 năm 2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi Thông báo số 1 tới các cơ sở giáo dục thông báo dự kiến kế hoạch chuẩn bị Hội thảo về Hệ thống giáo dục mở hằm đề xuất những kiến nghị khách quan và toàn diện hơn cho Chính phủ xung quanh chủ đề trên để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW, thúc đẩy giáo dục Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Chương trình hoạt động năm 2018 của Hiệp hội, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế” vào đầu tháng 5 năm 2018 tại Trường đại học bách khoa Hà Nội.
Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về giáo dục mở, một trong những vấn đề quan trọng của giáo dục nước nhà, chuẩn bị cho hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế.
Mục đích
Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu kêu gọi và tạo điều kiện cho các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Hệ thống giáo dục mở cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đã và đang diễn ra, để cùng đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm tạo dựng mạng lưới nghiên cứu giữa các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả cùng trao đổi, hợp tác nghiên cứu các vấn đề của hệ thống giáo dục mở để thích ứng với thời đại toàn cầu hóa hiện nay, góp phần đưa Nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống.
Các chủ đề tham luận
Các bài tham luận cho Hội thảo tập trung vào những vấn đề sau:
– Vai trò, đặc trưng và các thuộc tính của hệ thống giáo dục mở;
– Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục mở;
– Quan hệ giữa giáo dục mở và vấn đề tự chủ giáo dục;
– Công nghệ thông tin và việc mở rộng cơ hội giáo dục;
– Giáo dục mở và vấn đề xây dựng xã hội học tập;
– Xây dựng hệ thống học liệu mở;
– Công nghệ mới và giáo dục mở;
– Toàn cầu hóa và sự thích ứng của giáo dục;
– Định hướng phát triển của các đại học mở;
– Cơ cấu hệ thống giáo dục mở cho giáo dục Việt Nam theo tinh thần NQ 29;
– Hệ thống các cơ sở giáo dục của Việt Nam để bảo đảm định hướng mở .
– ………..
Đại biểu tham dự
Khoảng 200 đại biểu, bao gồm:
– Đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước;
– Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và các đơn vị đồng chủ trì
– Các sở giáo dục và đào tạo;
– Các trường đại học, cao đẳng;
– Các doanh nghiệp về khoa học, công nghệ;
– Các chuyên gia giáo dục.
Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo
– Thời gian: Ngày 10 tháng 5 năm 2018
– Địa điểm: Hà Nội.
Đăng kí tham dự và viết báo cáo Hội thảo
a/ Đăng ký tham dự hội thảo
Kể từ sau Thông báo số 1 Ban tổ chức hội thảo đã nhận được trên 60 tóm tắt báo cáo tham luận, trong đó có 10 báo cáo toàn văn. Để nội dung hội thảo thêm phong phú, sau khi nhận được Thông báo số 2 này đề nghị các tổ chức và cá nhân tiếp tục gửi báo cáo cho Ban tổ chức, đồng thời đăng ký đại biểu chính thức tham dự Hội thảo theo mẫu sau:
TT | TÊN ĐƠN VỊ | HỌ VÀ TÊN | CHỨC VỤ | ĐỊA CHỈ NHẬN THƯ MỜI | ĐT/ EMAIL |
Và gửi về Hiệp hội trước ngày 15/4/2018 theo địa chỉ:
Email: hiephoidhcdvn@gmail.com
ĐT: Văn phòng: (024)37957159; TS. Lê Viết Khuyến: 0913016368
Ban Tổ chức hội thảo, sau khi nhận được Phiếu đăng ký, sẽ gửi Giấy mời tham gia hội thảo theo chuyển phát nhanh và qua thư điện tử tới Quý đại biểu.
b/ Đăng ký gửi báo cáo tham luận:
– Gửi báo cáo toàn văn: hạn chót vào ngày 15/4/2018
– Quy cách báo cáo: tối đa 12 trang A4, font Times New Roman (unicode), font size 14, top margin 3cm, bottom margin 2,5cm, left margin 3cm, right margin 2,5cm, kèm file (đĩa mềm hoặc gửi qua email).
Tiêu đề của báo cáo chữ in đậm, cỡ chữ 15, dưới tiêu đề xin ghi rõ họ và tên tácgiả, học hàm, học vị, đơn vị, thông tin liên hệ (E-mail, số di động).
Để Hội thảo thành công tốt đẹp, Ban tổ chức rất mong được đón tiếp đông đảo đại biểu và sớm nhận được báo cáo tham luận từ các đại biểu.
Trân trọng ./.