Biện hộ cho tuổi trẻ ngày nay
Ngày 21/12/2021
Sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học chắc chắn có được một nền giáo dục chất lượng cao và đắt tiền để chuẩn bị thành công khi bước vào đời. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phê bình, ngay cả những sinh viên giỏi nhất – và đôi khi cả những sinh viên đặc biệt xuất sắc – cũng thấy rất bế tắc.
Nói thẳng ra, người ta cáo buộc các sinh viên ấy là người máy chạy theo thành tích được định hướng, chỉ chú trọng vào bản thân và nghề nghiệp của họ. Dường như họ không quan tâm việc tìm hiểu sâu xa về đời sống tinh thần, theo đuổi các đam mê của mình hoặc phát triển cá tính. “Me Generation” (Thế hệ cái Tôi) là tên được đặt cho những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số (1946 – 1964), sau Thế chiến II. Tạp chí Time đã giật một tít ở trang bìa trong năm 2013 nói về những người trưởng thành vào khoảng năm 2000 (thế hệ Millennials) với tiêu đề “The Me Me Me Generation”.
Quan điểm cho rằng những người trẻ có phần non nớt và hời hợt về mặt đạo đức không phải là một cáo buộc mới mẻ. Năm 700 TCN, nhà thơ Hy Lạp Hesiod đã viết về điều này. Các nhà triết học Xenophon và Plato đã ngao ngán trước tình trạng băng hoại đạo đức của giới trẻ. Người La Mã chứng kiến tình trạng đức hạnh bị mai một ở khắp mọi nơi. Những người sống dưới thời Nữ hoàng Victoria phê bình lòng mộ đạo hời hợt của thế hệ tiếp theo. Và tuy rằng nước Mỹ vốn luôn khác biệt – non trẻ, hướng về tương lai, thích thử nghiệm tìm kiếm cái mới – đã từ lâu nước này không thiếu những lời than vãn của riêng mình. Từ những người Thanh giáo đến Henry David Thoreau, từ những nhà bảo thủ cảm thấy kinh hoàng trước tình trạng những năm 1960 cho đến Christopher Lasch, người viết tác phẩm The Culture of Narcissism (Văn hóa của chủ nghĩa ái kỷ) vào năm 1979, tất cả những người này đều lo lắng về một thế hệ mới ít quan tâm đến cộng đồng và quan tâm nhiều hơn đến bản thân.
Thực ra, bức tranh đó của các nhà phê bình cũng đúng ở chỗ nó tập trung vào kiểu văn hóa thành tích đang chi phối đời sống sinh viên ở các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới hiện nay. Nhưng thật kỳ cục nếu ta đổ lỗi cho sinh viên về một sự việc phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Xét cho cùng, họ không phải là những người đặt ra hệ thống ngặt nghèo các bài kiểm tra làm cánh cửa bước vào giáo dục đại học ở Mỹ, họ cũng không tạo ra thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt trong thời kỳ kinh tế nguy ngập. Các phòng tuyển sinh ngày nay chỉ coi trọng sự hoàn hảo. Một lần tôi hỏi người trưởng phòng tuyển sinh tại một trường đại học thuộc Ivy League, “Ông có nhận vào nhiều em không đạt yêu cầu ở trường trung học không?” Ngay lập tức ông ta trả lời, “Không, chúng bị bất lợi so với những người khác có các thành tích tốt hơn.” Cán bộ tuyển sinh, một người có trình độ học thức uyên bác, lưu ý rằng nếu ông ta thu nhận những học sinh có phần nào đã không đạt yêu cầu – được phản ảnh trong bảng điểm và điểm SAT – thì trường đại học sẽ tụt bậc trong bảng xếp hạng và tỷ lệ “được – mất” sẽ thấp hơn so với các trường trọng điểm khác (có nghĩa là tỉ lệ phần trăm học sinh chấp nhận vào học trường này hay trường kia sau khi được xét tuyển). Áp lực rất căng cho các trường đại học và các học sinh. Vậy liệu ta có nên ngạc nhiên đến thế trước cách ứng phó của sinh viên hiện nay?
Áp lực không dừng lại một khi họ vào đại học. Cuộc đua tiếp tục với các điểm mốc là kiếm được việc làm trong kỳ nghỉ hè, tìm được nơi thực tập và xin được học bổng, và cuối cùng là công việc toàn thời gian. Quá trình xin việc làm tại một ngân hàng hoặc công ty tư vấn có uy tín hiện nay cũng là một cuộc chạy đua đường trường qua các kỳ phỏng vấn và thi cử, với hàng ngàn ứng viên cho một số rất ít vị trí được chào mời. Nhưng các nhà phê bình dường như cảm thấy rằng trong khi đối đầu với hệ thống tưởng thưởng gian nan như thế, trẻ em nên thoải mái, thư giãn, theo đuổi đam mê và khám phá tâm hồn của mình.
Hơn nữa, tôi dám chắc sự tập trung của sinh viên vào thành tích không tạo ra những thanh niên bần tiện, ích kỷ hoặc tàn nhẫn. Thực tế không có bằng chứng nào cho thấy có điều đó cả. Từ năm 1966, Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học (HERI) của Đại học UCLA đã đặt cho các sinh viên năm thứ nhất một số câu hỏi. Các dữ liệu thu thập được cho thấy những điều sau đây: Trong bốn thập niên vừa qua, sinh viên đã trở nên quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu kiếm tiền, nhưng phần lớn sự thay đổi này đã diễn ra từ năm 1967 đến năm 1987, còn từ đó trở về sau, tỷ lệ phần trăm của số tân sinh viên xác định “trở nên sung túc về mặt tài chính” là mục tiêu cá nhân đã ổn định đáng kể. Đó chắc chắn là một phản ứng hợp lý trong một nền kinh tế trong đó số lượng việc làm tốt đã giảm sút, thu nhập trung bình đã không nhích lên, tình trạng toàn cầu hóa và công nghệ đang thay thế tất cả các loại công việc trước đây chỉ con người mới làm được. Trong hoàn cảnh như vậy, quan tâm về tương lai của bản thân có thể là một dấu hiệu của sự thông minh! Sinh viên nhắm đến những mục tiêu cuộc đời khác quan trọng hơn như là “trở thành một nhà lãnh đạo cộng đồng”, “giúp đỡ những người đang gặp khó khăn,” và điều thú vị là “góp phần xây dựng khoa học lý thuyết”, không mục tiêu nào trong số đó là dấu hiệu của sự ích kỷ.
Các số liệu cũng cho thấy rằng sinh viên ngày nay kết hợp khát vọng vật chất của họ với một ước muốn mạnh mẽ cho công việc thiện nguyện. Các con số người tình nguyện tham gia những chương trình như Peace Corps và AmeriCorps hay Teach for America tăng mạnh. Nhiều sinh viên tài năng và có trình độ chuyên môn cao chọn làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận trong một thời gian. Đúng là các tổ chức phi chính phủ đã trở nên thời thượng, nhưng đó là điều có ý nghĩa. Chúng đã trở thành thời thượng chính vì giới trẻ ngày nay xem chúng như là một phương cách có giá trị và đáng sống trong một phần hoặc suốt cả cuộc đời của họ.
Có một số điều các bạn trẻ không làm. Nhìn chung, trong những thập niên gần đây, hoạt động chính trị tại các trường đại học đã giảm – mặc dù có những cao trào xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử đầu tiên của Reagan và Obama. Nhưng mặt khác, sự thiếu nhiệt tình đối với chính trị phản ánh một xu hướng xã hội rộng lớn hơn. Đa số người Mỹ trở nên thất vọng sâu sắc với chính trị. Giới trẻ Mỹ cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã hoạt động không hiệu quả và trở nên phân cực. Có thể các bạn trẻ muốn thực hiện thay đổi xã hội bằng cách chọn làm việc với các tổ chức phi chính phủ hơn là làm việc cho chính phủ, nhưng đó là sự thay đổi về cơ chế chứ không phải về mục đích. Với tình trạng chính trị, nạn quan liêu của chính phủ và sự xâm nhập rầm rộ của phương tiện truyền thông, chắc chắn thái độ của họ là hợp lý, thậm chí có thể gọi là khôn ngoan.
Có lẽ kết quả nổi bật nhất của cuộc khảo sát HERI nói lên vấn đề rõ rệt nhất: số lượng các tân sinh viên xem việc “phát triển một triết lý sống có ý nghĩa” là chính yếu hoặc rất quan trọng đã giảm từ 86% trong năm 1967 xuống còn 45% trong năm 2013. Con số này có lẽ là những gì gây lo lắng cho hiện tại và luyến tiếc một thời kỳ đã qua trước đây.
Tôi hiểu nỗi lòng hoài cổ ấy. Sinh viên ngày nay dường như không cảm thấy hào hứng với các cuộc tranh luận sôi nổi như các thế hệ trước. Họ không phát biểu dài dòng về các vấn đề triết học cao siêu. Họ không thức khuya tranh cãi về Nietzsche hay Marx hay Tolstoy. Nhưng điều đó là một phần trong xu hướng chung của thời đại và được giới sinh viên phản ánh hơn là do họ tạo ra.
Thời đại của chúng ta được mệnh danh là thời đại chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và công nghệ. Các xu hướng thay đổi cuộc sống xuất phát từ những sức mạnh này – thúc đẩy một cuộc cách mạng thông tin mới tạo ra những ngành công nghiệp mới chỉ trong chớp mắt, mở rộng ngành học máy tính, thay đổi cơ bản nền y học, cho phép hàng tỉ người thăng tiến ở Trung Quốc và Ấn Độ, làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, chính trị và quyền lực xã hội ở khắp mọi nơi. Các thần tượng của thời đại là những chủ doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ và doanh nhân. Mark Zuckerberg và Jeff Bezos là những biểu tượng có tầm quan trọng hơn xa bất kỳ chính trị gia nào ngày nay và họ chiếm chỗ đứng mà các vị chính khách tiêu biểu đã nắm giữ trong các thời kỳ trước đây.
Giới trẻ phản ánh các thực tế hiện nay. Cuộc sống của họ bị cuốn hút vào các lực lượng kinh tế và công nghệ nhiều hơn so với ý thức hệ và địa chính trị. Và điều đó có nghĩa là sẽ có ít cơ hội hơn để nói chuyện lý thuyết cao siêu, giảm bớt những buổi chuyện trò háo hức đêm khuya, tài hùng biện sôi nổi xuất hiện ít hơn tại các diễn đàn sinh viên và các câu lạc bộ chính trị. Đó là một thế giới mới và các bạn trẻ biết điều đó.
Giới sinh viên ngày nay tìm kiếm đạo đức và ý nghĩa cuộc sống theo những cách khác với các thời đại trước, giống như bất kỳ thế hệ mới nào, đặc biệt là trong những thời kỳ có sự thay đổi rất lớn. Họ đặt những bước chân từ tốn và có tinh thần thực tiễn hơn. Họ tìm kiếm chân lý, nhưng có lẽ bằng con đường thầm lặng hơn những con đường hào hùng trong quá khứ. Họ cố gắng kết hợp những ước vọng cao cả thôi thúc trong lòng với một cuộc sống ấm êm.
Dữ liệu trong cuộc điều tra HERI cho thấy mục tiêu quan trọng nhất đối với giới sinh viên, ngoài việc kiếm tiền, là lập gia đình. Trong những năm vừa qua, con số này khá ổn định, có tăng một chút và bây giờ chiếm khoảng 75%, tiêu biểu cho một mối quan tâm của giới tư sản thành thị. Thế nhưng, nỗ lực để kiếm sống, tạo cơ ngơi nhà cửa và việc lập gia đình có thực là tầm thường hèn kém chăng? Một trong những thành tựu cao đẹp hơn của việc xây dựng tự do dân chủ chắc chắn là tình trạng dân chúng ngày nay có thể giảm bớt thời gian lo lắng về vấn đề cách mạng, chiến tranh và thay vào đó, họ tập trung vào việc xây dựng một môi trường cá nhân, trong đó họ có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thỏa mãn và hạnh phúc. Tôi nhớ có lần đã đọc tin về một vị thẩm phán Nam Phi nói chuyện với sinh viên đại học người Mỹ. Bà so sánh nền chính trị vừa trải qua biến cố lớn tại quốc gia bà – nạn phân biệt chủng tộc được xóa bỏ, một quốc gia mới ra đời – với những sự kiện bình thường vặt vãnh mà bà đọc qua các báo Mỹ. Và bà kết luận rằng là bà thiết tha mong có ngày đất nước bà sẽ được ở vào tình trạng đủ bình thường để có báo chí đăng tải nhiều chuyện vặt vãnh.
Có rất nhiều thách thức ở trong và ngoài nước, nạn bất công và những tình trạng mất cân bằng cần phải thay đổi. Nhưng cũng có những thời điểm và những nơi người ta đủ may mắn để có thể trau dồi những đức tính cá nhân. Như John Adams từng viết trong thời kỳ Cách mạng Mỹ: “Tôi phải nghiên cứu chính trị và chiến tranh để các con trai tôi được tự do học toán và triết học. Con trai của chúng tôi nên nghiên cứu toán học triết học, địa lý, lịch sử tự nhiên, kiến trúc hàng hải, nghề đi biển, thương mại và nông nghiệp để cho con cái chúng được nghiên cứu hội họa, thơ ca, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật nặn tượng, dệt thảm và đồ sứ.” Vì vậy, có lẽ ngày nay họ đang viết những ứng dụng chứ không phải là nghiên cứu thơ ca, nhưng đó là một sự điều chỉnh theo thời đại.
Đây không phải là kiểu tham vọng hô hào người ta tập trung để chống giữ thành lũy và diễn thuyết bằng lời lẽ hoa mỹ, nhưng chúng vẫn là những tham vọng chân thật, xác thực và quan trọng. Chúng đáng được biện hộ một cách ngắn gọn và đó là những gì tôi đã cố gắng trình bày ở đây. Có điều này tôi sẵn sàng thừa nhận: Do thời đại chúng ta đang sống, tất cả chúng ta – già lẫn trẻ – không dành đủ thời gian và công sức để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta không nhìn vào bên trong bản thân đủ mức độ để hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình và chúng ta không nhìn xung quanh, nhìn ra thế giới, nhìn vào lịch sử đủ mức độ để nêu những câu hỏi sâu sắc nhất và bao quát nhất. Chắc chắn giải pháp là, ngay cả bây giờ, tất cả chúng ta có thể sử dụng nền giáo dục khai phóng nhiều hơn một chút.
(Lược trích từ “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng”, Châu Văn Thuận dịch, NXB Dân trí ấn hành tháng 6/2021)
Fareed Zakaria
Ban TT&SV