10 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN-PHÁT HUY VAI TRÒ CÔNG TÁC KHẢO THÍ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Những năm qua, công tác giáo dục, đào tạo (GDĐT) trong CAND luôn được Đảng, Nhà nước, BCA quan tâm chỉ đạo, thể hiện qua một số văn bản như: Quyết định số 1229/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020; Quyết định số 5620/QĐ-BCA-X11 của Bộ trưởng BCA phê duyệ Đề án thành phần số 5 Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường CAND; Nghị Quyết số 17-NQ/ĐUCA, ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND; Chỉ thị số 13/CT-BCA, ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng BCA về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND…. Thực tiễn cho thấy công tác GDĐT được các trường CAND luôn bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND dân trong từng thời kỳ và có sự phát triển liên tục, ngày càng mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng, từng bước hòa nhập với tiến trình đổi mới của nền giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an, yêu cầu công tác.
Bằng các văn bản như trên về công tác đào tạo đã thể hiện quyết tâm của BCA hướng tới mục tiêu chung: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”[1] . Qua đó, tập thể lãnh đạo các trường CAND đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác GDĐT nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: tiếp tục quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo, nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, vững về chính trị, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, có kiến thức về khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ và kỹ năng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, bắt nhịp được với đòi hỏi chung của đất nước và từng bước đáp ứng xu thế chung của khu vực và thế giới.
Cùng với các nhiệm vụ, công tác khác, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo (KT&ĐBCLĐT) trong CAND những năm qua đã tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực hiện đánh giá năng lực người học và đi theo các tiêu chuẩn của quốc gia, khu vực và quốc tế, thể hiện những đóng góp to lớn, rõ ràng, tác động tích cực đến quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND.
Xác định công tác KT&ĐBCLĐT là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong hoạt động GDĐT tại các trường CAND, hàng năm BCA đều ban hành Quyết định kèm theo Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng GDĐT trong CAND. Quyết định kèm theo Kế hoạch đã liệt kê cụ thể, chi tiết toàn diện các công việc liên qua đến công tác giáo dục, đào tạo trong năm học của các trường CAND như: nhiệm vụ kiểm định chất lượng GDĐT thông qua các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài…; nhiệm vụ đảm bảo chất lượng GDĐT thông qua các hoạt động ban hành các chương trình đào tạo, lấy ý kiến phản hồi về hoạt động giáo dục và đào tạo…; nhiệm vụ Khảo thí thông qua các hoạt động về tổ chức thi tuyển sinh, thi kết thúc học phần, đánh giá điểm bộ phận, công tác cấp, phát văn bằng, chứng chỉ, công tác biên soạn, quản lý, sử dụng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra…Như vậy, công tác KT&ĐBCLĐT trong CAND ở các trường CAND đã thông qua Phòng KT&ĐBCLĐT là đơn vị trực tiếp giúp lãnh đạo Nhà trường quản lý, tổ chức thực hiện công tác KT&ĐBCLĐT đối với các bậc học, hệ học theo quy định của Bộ GD&ĐT, BCA và của Nhà trường.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Phòng KT&ĐBCLĐT thuộc các trường CAND đã vượt qua một chặng đường với nhiều khó khăn, trở ngại, biến động song có bước trưởng thành, phát triển nhanh, toàn diện, đã thể hiện được vị trí, vai trò rõ nét, có ý nghĩa to lớn, không thể thiếu trong công tác GDĐT, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT trong CAND trong tình hình mới. Được thể hiện qua một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, đối với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn công tác KT&ĐBCLĐT.
Thực hiện Quyết định số 4914/QĐ-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2012, của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo thuộc các học viện, trường đại học, trường trung cấp CAND, các trường CAND đã ra quyết định thành lập Phòng KT&ĐBCLĐT thực hiện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được xác định trong quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Từ khi được thành lập, Phòng KT&ĐBCLĐT các Trường đã không ngừng được kiện toàn về cơ cấu tổ chức, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, trong đó phần lớn cán bộ, lãnh đạo có trình độ sau đại học, nhiều đồng chí có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư và không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyêu sâu về công tác khảo thí, kiểm định đáp ứng được yêu cầu công tác ngày càng cao của công tác tham mưu, quản lý thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
Thứ hai, đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học và giảng dạy của giảng viên.
Việc thành lập đơn vị chuyên trách đánh dấu bước quan trọng đưa công tác KT ĐBCLĐT của các trường đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Trong đó, nổi bật là Phòng KT&ĐBCLĐT chủ trì và phối hợp với các đơn vị giảng dạy đăng ký hình thức thi kết thúc học phần theo hướng đa dạng hóa hình thức thi, mở rộng từ thi tự luận, thi trắc nghiệm đến thi thực hành, thi vấn đáp cho nhiều học phần, môn học; tổ chức xây dựng, bổ sung cập nhật ngân hàng câu hỏi thi phục vụ thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp; đề xuất ban hành quy trình xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng và nghiên cứu, ứng dụng phương pháp, công nghệ mới trong đánh giá chất lượng ngân hàng câu hỏi thi; trực tiếp quản lý, khai thác và sử dụng ngân hàng câu hỏi thi theo quy định của Bộ GD&ĐT, BCA và Trường; hàng năm các trường đều tổ chức chỉnh sửa, biên soạn bổ sung câu hỏi vào ngân hàng đã có và xây dựng các ngân hàng câu hỏi chưa có đảm bảo khách quan, chính xác, bảo mật. Ví dụ: Phòng KT&ĐBCLĐT của Trường Đại học CSND, từ năm 2014 đến hết năm 2021 đã chủ trì, phối hợp với các các đơn vị giảng dạy làm đề thi, xây dựng đáp án, thang điểm với trên 20.542 đề thi, đáp án thi kết thúc học phần, trung bình, mỗi năm có 4.308 đề thi, đáp án. Đề thi đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình đào tạo, phù hợp với giáo trình, tài liệu dạy; đảm bảo về nội dung, hình thức. Nhà trường đã triên khai biên soạn 596 bộ bộ ngân hàng câu hỏi thi, trong đó đã đưa vào quản lý và khai thác trên phần mềm là 331/596 bộ ngân hàng câu hỏi thi; sử dụng có hiệu quả phần mềm do Bộ Công an trang bị phục vụ cho việc quản lý ngân hàng câu hỏi thi học phần, môn học có ngân hàng câu hỏi thi và có 5.284 lượt môn thi các lớp trong và ngoài trường được tổ hợp từ phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi.
Ngoài ra, các Trường đã thực hiện đổi mới công tác tổ chức chấm thi kết thúc học phần. Nếu như trước đây hoạt động chấm thi kết thúc học phần được thực hiện phân tác tại các đơn vị giảng dạy thì đến nay việc tổ chức chấm thi kết thúc học phần (trừ những môn thi thực hành) được thực hiện tập trung tại phòng chấm thi do Phòng KT&ĐBCLĐT quản lý chuyên trách. Việc đổi mới trong hoạt động chấm thi tập trung đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò quan trọng của hoạt động này, đảm bảo tính chuyên trách trong từng khâu từ tiếp nhận bài thi, dồn túi, rọc phách, chấm thi, báo điểm và kiểm tra, giám sát trong chấm thi; đưa hệ thống camera giám sát phòng chấm thi tập trung nên đã kịp thời nhắc nhở, khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong quá trình chấm thi.
Bên cạnh đó, các kỳ thi của các Trường được kiểm tra, giám sát thường xuyên theo lịch thi theo chức năng của Phòng KT&ĐBCLĐT. Công tác kiểm tra, giám sát thi được tiến hành toàn diện từ việc kiểm tra điểm bộ phận khi kết thúc học phần nhằm xác định điều kiện dự thi của sinh viên; kiểm tra việc ra đề thi, đề kiểm tra tại các đơn vị giảng dạy; kiểm tra việc coi thi, chấp hành nội quy phòng thi của cán bộ coi thi và sinh viên; kiểm tra tính hợp pháp của bài thi và kết quả chấm thi của giảng viên. Kết quả kiểm tra, giám sát thi đã góp phần phòng ngừa, hạn chế các trường hợp vi phạm quy chế thi, đảm bảo khách quan, công bằng trong hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá.
Thứ ba, tiến hành triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đảm bảo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và BCA.
– Đối với công tác tự đánh giá: Các Trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá trong năm từ năm 2014 đến 2019 theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an. Trong quá trình tổ chức tự đánh giá, Đánh giá ngoài, các Trường đã bố trí, đảm bảo các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho hoạt động tự đánh giá; cử cán bộ, lãnh đạo tham gia các lớp tập huấn về công tác tự đánh giá do X02 tổ chức; huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các đơn vị, đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên để đánh giá một cách khách quan, toàn diện các mặt công tác của Nhà trường.
– Công tác đánh giá ngoài: Thực hiện các Quyết định, Kế hoạch của BCA về tổ chức đánh giá ngoài các Trường CAND: Đoàn đánh giá ngoài đã tiến hành nhiều hoạt động khảo sát, nắm tình hình, phân tích, đánh giá những điểm mạnh, tồn tại và nguyên nhân của từng tiêu chí, tiêu chuẩn; đánh giá kết quả đạt được và đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế của từng tiêu chí, tiêu chuẩn. Ngay sau khi được đánh giá, các Trường đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất để có kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các tiêu chí chưa đạt. Đến hết năm 2022, các Trường CAND đã tích cực triển khai thực hiện công tác Tự đánh giá và đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như BCA. Sau khi kết quả đánh giá ngoài được công bố, các Trường đã thông báo công khai đến các đơn vị, sinh viên về thực trạng chất lượng đào tạo của Nhà trường, những thuận lợi, khó khăn và tổ chức thực hiện các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo theo khuyến nghị của Đoàn đánh giá ngoài, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế đối với các tiêu chí không đạt yêu cầu. Tuy nhiên do kinh phí hạn chế, trụ sở làm việc chưa ổn định, nhất là sau khi BCA tổ chức sắp xếp lại bộ máy, số lượng các trường CAND nên việc hoàn thiện, cải tiến chất lượng một số tiêu chí gặp nhiều khó khăn.
Qua chu kỳ tự đánh giá và đánh giá ngoài cho thấy các Trường dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD do Bộ GDĐT, BCA ban hành để tự xem xét, báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác, làm căn cứ để Nhà trường tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Quá trình thực hiện công tác tự đánh giá đã thể hiện rõ mục đích và ý nghĩa rõ ràng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường, như: là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng bên trong nhà trường; giúp các trường tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng; xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo; điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn kế tiếp theo hướng cao hơn; thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của Nhà trường trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu đã được xác định…
Thứ tư, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chuẩn đầu ra của các bậc, hệ học tại các trường CAND.
Có thể khẳng định, đến nay các Trường đều đã xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra của các chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường gồm chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn về thể chất, chuẩn về trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, lái xe… đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực chuyên môn của học viên trước khi tốt nghiệp ra trường.
Trong quá trình tổ chức đào tạo, các Trường đã chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo và yêu cầu thực tiễn; tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra cho các ngành, chuyên ngành đào tạo. Quá trình tổ chức đào tạo, nội dung kiểm tra, đánh giá học phần đều bám sát chuẩn đầu ra, mục tiêu của học phần và phù hợp với trình độ, đặc điểm, năng lực của người học. Đối với các chuẩn đầu ra khác như: tin học, ngoại ngữ, lái xe, lý luận chính trị được các Trường tổ chức hoặc liên kết, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho người học đạt các chuẩn khi ra trường và thực hiện một số yêu cầu công tác khác như xây dựng văn hóa chất lượng (thực chất là thiết lập một hệ thống môi trường cho các hoạt động có chất lượng và không ngừng cải tiến chất lượng, bao gồm: môi trường nhân văn; môi trường xã hội; môi trường văn hóa; môi trường học thuật và môi trường tự nhiên) được BCA và các Trường không ngừng đầu tư và ngày càng được nâng cấp hơn về điều kiện vật chất, trang bị phương tiện dạy, học; các phương pháp dạy và học ngày càng được đầu tư, đổi mới; các chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung, đổi mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong CAND trong tình hình hiện nay.
Công tác KT&ĐBCLĐT của các trường CAND mặc dù đã thể hiện được ý nghĩa, tầm quan trọng và ngày càng được củng cố nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND trong tình hình mới. Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác này chúng tôi nhận thấy còn một số hạn chế như: còn một số lãnh đạo các đơn vị cũng như cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên của các Trường chưa thật sự quan tâm, sâu sát; nhận thức chưa đúng mức, chưa đồng đều về các hoạt động KT&ĐBCLĐT, nhất là các hoạt động của công tác ĐBCLĐT như hoạt động biên soạn hệ thống ngân hàng câu hỏi thi; đổi mới, đa dạng hình thức thi, kiểm tra; hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài; đảm bảo chuẩn đầu ra; công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa đơn vị chức năng với các đơn vị khác trong công tác KT&ĐBCLĐT có lúc, có nơi chưa thật sự đảm bảo; chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT&ĐBCLĐT giữa các Nhà trường; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế cán bộ của Phòng KT&ĐBCLĐT của các Trường còn bất cập, một số cán bộ của Phòng chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ có mặt còn hạn chế, công tác tham mưu, đề xuất có thời điểm tính chủ động chưa cao, v.v.
Trong thời gian tới, với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, như tội phạm công nghê cao, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội… Những vấn đề đó đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác GDĐT trong CAND nói chung và công tác KT&ĐBCLĐT nói riêng tại các Trường CAND. Để nâng cao hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của công tác KT&ĐBCLĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT tại các Trường CAND trong thời gian tới, theo chúng tôi cần tiếp tục củng cố và tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cơ quan quản lý cấp trên mà trực tiếp là Cục Đào tạo (X02)-BCA và sự chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các học viện, trường CAND đối với công tác KT&ĐBCLĐT trong Nhà trường.
Sự lãnh đạo, quản lý của các cơ quan cấp trên phải được xác định, quán triệt, thực hiện có tính nguyên tắc, quyết định đến tất cả các hoạt động KT&ĐBCLĐT. Vì vậy, trên cơ sở các mặt công tác GDĐT trong Nhà trường, các cấp lãnh đạo cần xác định đúng vị trí, tầm quan trọng và nhận thức rõ được nội dung, công việc, ý nghĩa của công tác KT&ĐBCLĐT nhằm giúp cho Hiệu trưởng quản lý, chỉ đạo, đề ra chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo toàn diện công tác KT&ĐBCLĐT và xem đây là công cụ hữu hiệu để kiểm tra, đánh giá chất lượng GDĐT của Nhà trường. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cần tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng và các cá nhân có liên quan hiểu và thực hiện nghiêm các hoạt động của KT&ĐBCLĐT nhằm đáp ứng yêu cầu GDĐT trong CAND trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Phòng KT&ĐBCLĐT trong các trường CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng không chỉ bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của Phòng KT&ĐBCLĐT tại các Trường phát triển đồng bộ, vững chắc, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các Trường CAND. Thực hiện vấn đề này, trước hết cấp ủy, lãnh đạo của Phòng KT&ĐBCLĐT và đội ngũ cán bộ phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện công tác đúng đắn cho đội ngũ cán bộ. Những cán bộ của Phòng KT&ĐBCLĐT phải là những người luôn tận tâm, tận tụy với công việc, yêu ngành, yêu nghề, khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, họ phải là những cán bộ có thâm niên, có kiến thức, kỹ năng về công tác quản lý giáo dục, giảng dạy như: tham mưu thực hiện công tác tổ chức thi, chấm thi; kỹ năng biên soạn ngân hàng câu hỏi thi; hiểu biết sâu về công tác kiểm tra, giám sát, công tác tự đánh giá cơ sở giáo dục, công tác đánh giá ngoài; công tác đảm bảo chuẩn đầu ra của của các chương trình đào tạo…để luân chuyển, bố trí công tác tại Phòng KT&ĐBCLĐT.
Thứ ba, cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
Khảo sát công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học tại các trường CAND cho thấy các hình thức kiểm tra, đánh giá hiện nay vẫn chủ yếu là hình thức tự luận và vấn đáp để đánh giá sự hiểu biết và vận dụng kiến thức, còn việc phân tích, tổng hợp, đánh giá, giải quyết một vấn đề trong thực tiễn công tác còn rất hạn chế. Với xu hướng hiện nay, công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học tại các trường CAND phải đi đôi với việc đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy bắt kịp, phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng CAND. Theo đó, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, học viên theo hướng tiếp cận năng lực của từng đối tượng học tập, như: các đối tượng học khác nhau phải có hệ thống, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau; chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối học phần, môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) sang sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình); chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức,… sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo…
Mặt khác, cần tăng cường sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá, như: sử dụng máy quay camera trong kiểm tra, giám sát quá trình thi, kiểm tra tại các phòng thi tự luận, trắc nghiệm, các học phần thực hành tại sân tập như võ thuật, bắn súng, lái xe, bơi lội…; sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong việc kiểm tra, thi các học phần tổ chức thi bằng hình thức vấn đáp.
Thứ tư, thường xuyên, tích cực tổ chức công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm hoạt động thi, kiểm tra và các hoạt động khác về GDĐT.
Thực tiễn cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng có tác động mạnh mẽ tới ý thức tự giác của cán bộ và sinh viên, học viên trong việc chấp hành các quy định, quy chế về thi, kiểm tra, đánh giá. Do vậy, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng KT&ĐBCLĐT cần phải chủ động và phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu, tích cực tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động GDĐT, trong đó chú trọng vào khâu kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi của học viên các lớp học, hệ học trong và ngoài cơ sở đào tạo; hoạt động biên soạn, xây dựng, sử dụng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi hết học phần, tốt nghiệp đảm bảo các hệ học, hình thức thi đều phải có hệ thống ngân hàng câu hỏi thi khác nhau và thường xuyên phải cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung số lượng, nội dung theo quy định và các hoạt động đào tạo khác như quản lý học vụ, tổ chức dạy và học trên lớp, tổ chức huấn luyện, thực hành ngoài thao trường…
Thứ năm, tăng cường các hoạt động của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên về công tác kiểm định chất lượng giáo dục Nhà trường.
Phòng KT&ĐBCLĐT của các Trường cần chủ động đề xuất các nội dung về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục vào chương trình công tác trọng tâm của Trường để mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, sinh viên đều có những hiểu biết nhất định về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục tương ứng với vị trí công tác của mình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục thông qua các diễn đàn, các chương mục trên tạp chí, nội san, pano, trang thông tin điện tử của các Trường và các hình thức khác. Phổ biến kiến thức và các kết quả tự đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt và chưa đạt để tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân biết và tham gia giám sát chất lượng giáo dục của Nhà trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đối với công tác giảng dạy của giảng viên sau khi kết thúc học phần môn học và coi đây là một trong các tiêu chí để xét điều kiện được thi kết thúc học phần môn học. Hàng tuần, tháng, Phòng KT&ĐBCLĐT phải thống kê, báo cáo công tác lấy ý kiến phản hồi của sinh viên và đề xuất các biện pháp để xử lý, chấn chỉnh đối với các giảng viên, cán bộ bị phản ánh, nhất là các phản ánh tiêu cực trong quá trình giảng dạy của giảng viên. Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến phản hồi của Công an các đơn vị địa phương về chất lượng sinh viên của các Trường sau khi tốt nghiệp, cũng như ý kiến phản hồi của học viên đã tốt nghiệp về chương trình và chất lượng đào tạo của Nhà trường góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Khuyến khích cán bộ, giảng viên trong các Trường CAND thực hiện các công trình khoa học nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khả thi nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Trường, của Ngành. Đối với cơ quan quản lý cấp trên (X02) cần tăng cường phát triển đội ngũ chuyên gia về đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ở các Trường CAND. Xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn thống nhất các Trường triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường; tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT và đảm bảo tính đặc thù trong CAND; công bố những cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn, vượt chuẩn và chưa đạt về chất lượng giáo dục và có giải pháp cụ thể, thiết thực giúp Nhà trường khắc phục những vấn đề chưa đạt nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác GDĐT trong các trường CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn mới./.
Đinh Anh Tuấn
Phòng KT&ĐBCLĐT-Trường Đại học CSND