TỔNG HỢP KẾT QUẢ HỘI THẢO VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC MỞ

Ngày 29/05/2018

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với Ban Truyên Giáo TW, Bộ GD&ĐT, Ủy Ban VH GD TN TN NĐ Quốc hội, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người VN và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo: Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và có bài phát biểu tại hội nghị.

GS.TS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐVN

Sau đây là tổng hợp chung về công tác chuẩn bị và kết quả chủ yếu của hội thảo:

Sau một năm chuẩn bị, trước thềm Hội thảo này Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 135 bài tham luận từ khắp miền Nam Bắc của đất nước, từ nước ngoài – một số lượng bài mà chưa có hội thảo nào của Hiệp hội đạt được(trong đó có 124 bài đã in thành 2 tập sách). Nội dung các bài viết rất phong phú, các tác giả là các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý rất tâm huyết, tiếp cận vấn đề với góc nhìn đa chiều. Tổng quan các bài  tham luận gửi về hội thảo, chúng ta có thể gom thành 6 nhóm vấn đề sau đây:

        Nhóm vấn đề thứ nhất: Khái niệm về giáo dục mở.

Nhóm này có 21 bài.Các tác giả đã rất công phu nghiên cứu các tư liệu trong nước và quốc tế để cho chúng ta có cái nhìn đa chiều, khoa học, thực tiễn và tầm nhìn về giáo dục mở, nền giáo dục mở, thậm chí có giới thiệu cả một số mô hình giáo dục mở trên thế giới. Trong nhóm bài này, có cả tài liệu về bản Tuyên bố tại Cape Town, Nam Phi năm 2007, của một nhóm người tiên phong trong lĩnh vực phát triển giáo dục mở trên thế giới. Trong đó có đoạn viết : “Chúng ta đang trên đỉnh của cuộc cách mạng toàn cầu về giảng dạy và học tập. Các nhà giáo dục trên toàn thế giới đang phát triển một lượng lớn tài nguyên giáo dục trên Internet, mở và miễn phí cho tất cả mọi người sử dụng.Các nhà giáo dục đang tạo ra một thế giới mà mỗi người trên trái đất đều có thể tiếp cận và đóng góp vào tổng thể tri thức nhân loại.Họ cũng đang gieo hạt giống của một phương pháp sư phạm mới, nơi các nhà giáo dục và người học tạo ra, hình thành và phát triển tri thức với nhau, làm sâu sắc thêm kỹ năng và sự hiểu biết của họ trên đường đi”.

       Nhóm vấn đề thứ hai : Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục mở.

Nhóm này có 26 bài. Các tác giả đã có công tìm hiểu, nắm bắt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm lý luận, tổng kết thực tiễn, các văn bản chỉ đạo công tác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và đặc biệt trong những bức thư gửi thầy cô giáo, gửi học sinh sinh viên, trong những bài phát biểu khi đến thăm trường học … trong suốt thời gian sống và làm việc của Người. Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng to lớn, quý giá, có tầm nhìn xa rộng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong đó có tư tưởng giáo dục mở, mà các học giả có thể tìm hiểu, khám phá và vận dụng trong thực tiến.

Đây là nhóm bài tham luận đem đến cho Hội thảo của chúng ta nhiều điều lý thú. Bởi có khá nhiều tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục hiện đại, về hệ thống giáo dục mở, về phương pháp dạy và học tích cực mà ngày nay thế giới đang bàn tới, thì trong tư tưởng của Hồ Chí Minh đã có từ lâu.

Nhóm vấn đề thứ ba : Tài nguyên giáo dục mở.

Nhóm này là nhóm phong phú nhất, có 30 bài tham luận. Các tác giả bàn luận khá sâu sắc về các nội dung thiết yếu của nhà trường hiện đại, của hoạt động dạy và học trong không gian giáo dục mở, với sự ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong xây dựng và phát triển tài nguyên học liệu giáo dục mở, trong cải tiến phương pháp dạy và học. Cũng có một số báo cáo mang tính minh chứng thực tế về thiết lập và vận hành các trung tâm học liệu mở trong nhà trường đại học, cả trong nước và nước ngoài. Và cũng có một số báo cáo đề cập vấn đề xây dựng nguồn học liệu mở cho các môn học cụ thể, nâng cao hiệu quả dạy và học thông qua ứng dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở …

Đây là nhóm bài rất thiết thực, với những báo cáo mang hơi thở của cuộc sống hiện đại năng động, sáng tạo, có sức thôi thúc mạnh mẽ, có tính cấp thiết đối với đổi mới giáo dục theo hướng mở để theo kịp thời đại tri thức và công nghiệp mới.

Nhóm vấn đề thứ tư : Hệ thống giáo dục mở.

Nhóm này có 27 bài, cũng rất phong phú.Các tác giả đã nghiên cứu khá nhiều mô hình thực tế trong và ngoài nước về xây dựng hệ thống giáo dục mở, kinh nghiệm của thế giới và góc nhìn từ thực tiễn từ Việt Nam.

Một số tham luận đi vào tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, tìm kiếm những tư duy đột phá nhằm phát triển giáo dục mở ở Việt Nam có nguồn gốc từ các đại học mở bán công ở Tp Hồ Chí Minh, Viện Đại học mở Hà Nội, từ các đại học ở miền Nam trước năm 1975, từ hoạt động giáo dục và đào tạo từ xa.

Một số báo cáo tham luận còn mạnh dạn đưa ra một số mô hình cơ sở giáo dục đào tạo theo hướng mở, kiến nghị các giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mở phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Có báo cáo còn chỉ rõ những khó khăn, rào cản trong lộ trình xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục vượt qua rào cản.

Nhóm vấn đề thứ năm : Giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập.

Nhóm này có 8 báo cáo tham luận.Các báo cáo đều tập trung làm rõ về lý luận và thực tiễn việc xây dựng xã hội học tập nhất thiết phải gắn với phát triển giáo dục mở.Có báo cáo còn khẳng định, chính Hồ Chí Minh là người đã kiến tạo nền giáo dục mở và vấn đề xây dựng xã hội học tập.

Một số tham luận tiếp cận các vấn đề có tính nguyên tắc trong phát triển xã hội học tập phải gắn với ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0, với internet kết nối vạn vật, với tư duy mới về tạo lập không gian giáo dục mở.

Nhóm vấn đề thứ sáu : Những vấn đề khác có liên quan.

Nhóm báo cáo này có 13 bài tham luận.Các tác giả tiếp cận giáo dục đào tạo từ góc nhìn xa của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có tác giả còn liệt kê cụ thể hơn những nhân tố nào đang ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết  29 của BCH Trung ương Đảng. Từ đó, các tác giả muốn gửi đến hội thảo những thông điệp về sự cần thiết phải thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ trong cải cách giáo dục đào tạo Việt Nam; có tác giả còn nêu bài học thực tiễn của một số nước, như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Sinhgapore về lĩnh vực này.

Trên đây là tổng quan về 135 báo cáo tham luận đã gửi về hội thảo của chúng ta, tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2018.Hội thảo của chúng ta tiếp tục nhận được một số báo cáo tham luận nữa, và còn có các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành sẽ tham dự Hội thảo. Chúng ta tin tưởng rằng, các vấn đề mà Hội thảo đặt ra hôm nay, các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ là những tri thức quý giá để từ đó chúng ta lựa chọn những vấn đề kiến nghị lên các cấp nhằm đưa quan điểm chỉ đạo của Đảng, mà cụ thể là Nghị quyết 29 BCH TW Đảng vào cuộc sống.

Hội thảo đã diễn ra trong cả ngày. Buổi sáng khai mạc và tiến hành phiên hội thảo taonf thể tại hội trường lớn, với gần 300 đại biểu tham dự. Buổi chiều Hội thảo được chia thành 3 Tiểu ban để thảo luận theo 3 nhóm chuyên đề. Kết thúc hội thảo các đại biểu tập hợp tại hội trường lớn để họp phiên toàn thể.Hội thảo kết diễn ra từ 8h 30 và kết thúc lúc 16h 45 cùng ngày.

Về các ý kiến tham luận:

Đa số ý kiến tham luận xung quanh khái niệm định nghĩa về giáo dục mở cho rằng, Giáo dục mở (GDM) là hệ thống giáo dục linh hoạt, không giới hạn bởi không gian, thời gian cũng như lứa tuổi, giúp cho mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo suốt đời.

Khi nhu cầu xã ngày càng rộng lớn và thay đổi liên tục với tốc độ chóng mặt thì hệ thống GD khép kín hiện nay đã bị quá tải không thể nào đáp ứng được dẫn đến sinh viên ra trường sẽ vẫn tiếp tục không tìm được việc hoặc trước khi đi làm thì phải “đào tạo lại”. Những người muốn học để có một nghề nghiệp nào đó hoặc sinh viên đã tốt nghiệp muốn học bổ sung kiến thức hoặc kỹ năng trước khi đi xin việc thì không chỗ học.

Chính vì vậy chỉ có bằng phương thức giáo dục mở thì những người có nhu cầu nhưng không có điều kiện đến trường mới có thể trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần cho công cuộc mưu sinh.Đây cũng chính là con đường hữu hiệu và khả thi nhất để thỏa mãn những ai muốn có được trình độ Đại học mà không tạo thêm gánh nặng cho GDĐH.

Đổi mới giáo dục theo hướng mở không chỉ là một yêu cầu mà còn là sự phát triển tất yếu của giáo dục trong xã hội hiện đại.

Nhưng, các ý kiến cũng đề nghị, các điều kiện tối thiểu để xây dựng hệ thống giáo dục mở là phải có chủ trương mang tính pháp lý; Phải có nhận thức đúng về hệ thống giáo dục đào tạo mở; Phải có học liệu (tài nguyên) và cơ sở vật chất; Phải có trung tâm khảo thí khách quan. Trong đó, điều kiện mang tính pháp lý là quan trọng nhất.

Đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo; Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học.

Bên cạnh đó, hệ thống GD mở phải thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo.Trong đó, chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng.Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục mở nhất thiết phải gắn với sự liên thông giữa các bộ phận trong bản thân hệ thống, bảo đảm cho sự chuyển tiếp khi học lên hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi công việc một cách thuận tiện nhất, không bị bất cập do sự không khớp, vênh nhau bởi sự không chuẩn trong thiết kế chương trình, do cơ chế quản lý và do các thủ tục..

Để triển khai giáo dục mở thì việc đầu tiên và trên hết là phải dỡ bỏ các rào cản đối với giáo dục.Đó là rào cản về nhận thức về chính sách, về kinh tế.Đặc biệt là sức ỳ của hệ thống giáo dục.

Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, đã có nhiều bước tiến quan trọng nhưng vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung đầu vào và hướng tới thi cử.

Bên cạnh đó là rào cản về lợi ích. Điều này có liên quan đến việc thực thi sáng kiến về sách giáo khoa mở, giáo trình mở. Đó là loại sách giáo khoa, giáo trình trong đó các quy định về bản quyền được nới lỏng đến mức tác giả cho phép sách được sử dụng miễn phí, được nhân bản, thậm chí được sao chép hoặc ghép nối với các tài liệu khác, miễn là phải dẫn tên tác giả.

Ngôn ngữ và kỹ thuật đó là hạ tầng ICT còn yếu kém và năng lực ngoại ngữ chưa được nâng cao cũng là 1 rào cản lớn cho phát triển giáo dục mở.

Sau khi nghe một số báo cáo tham luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu, thừa nhận: “Đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về giáo dục mở” mà Phó Thủ tướng được dự.(xem toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng tại đây)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo – Ảnh Thùy Linh

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Đam cho rằng, giáo dục mở ở Việt Nam đã có từ lâu. Những năm gần đây, một số đề án liên quan đến giáo dục mở đã được đề ra và triển khai như Đề án xây dựng xã hội học tập, Đề án phát triển đào tạo từ xa, Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở các cấp, Đề án tăng cường giảng dạy ngoại ngữ…

Phó Thủ tướng đồng tình với các kiến nghị và cho rằng: “Tất cả những rào cản giáo dục mở thì phải dỡ bỏ một cách kiên quyết”.

Theo đó, việc cần làm ngay là phải tập trung kêu gọi xây dựng hệ thống học liệu mở.Trước hết các trường đại học phải thay đổi.Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng dịch số hóa, học liệu.Phải cải thiện CNTT trong tất cả các lĩnh vực, vì ứng dụng CNTT là ứng dụng cho mỗi cá nhân và từng người dân.“Việc đổi mới này, không phải là việc của Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ mà của toàn xã hội. Quan trọng là cả xã hội nhận thức được để không chỉ học để lấy bằng mà học để biết, để làm, để đóng góp cho xã hội, để chung sống tốt hơn, sáng tạo ra tri thức để đóng góp cho xã hội” – PPT Đam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự hội thảo ngay từ đầu buổi sáng, đến cuối buổi chiều mới phát biểu tổng kết hội thảo. Thứ trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hội thảo này, đặc biệt là đã tập hợp được đông đảo các nhà khoa học, các thầy cô tham gia viết bài tham luận. Riêng Bộ Kỷ yếu hội thảo được Thứ trưởng đánh giá là “rất đồ sộ” (gồm 2 tập sách 1.200 trang đã in do NXB Thông tin – Truyền thông ấn hành,và 2 tập tài liệu hơn 400 trang). Thứ trưởng cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến tham luận và các khuyến nghị của hội thảo để cùng Lãnh đạo Bộ GD&ĐT vận dụng vào quá trình xây dựng các văn bản pháp lý nhằm phát triển hệ thống giáo dục nước nhà theo hướng mở như Nghị quyết 29 của BCH TW đã đề ra. (Xem Toàn văn phát biểu của Thứ trưởng tại đây).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã dày công quyết tâm tổ chức hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” – ảnh Trinh Phúc

Văn Đình Ưng