THÔNG BÁO SỐ 1 V/v: Tổ chức hội thảo khoa học

Ngày 29/01/2019

“Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21”

 

Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp theo, ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư ký ban hành tiếp Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết này là: (1) Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo; (2) Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp. Cụ thể, đối với giáo dục đại học, sẽ sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học hoạt động không hiệu quả. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Đối với giáo dục nghề nghiệp, sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, (bảo đảm) trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập.

Tháng 5 năm 2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Hội thảo về Hệ thống giáo dục mở nhằm đề xuất những kiến nghị khách quan và toàn diện hơn cho Chính phủ xung quanh chủ đề trên để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW, thúc đẩy giáo dục Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hưởng ứng triển khai tiếp tục các nghị quyết 29-NQ/TW và 19-NQ/TW, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” vào đầu tháng 5 năm 2019 tại Hà Nội.

Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần của các nghị quyết 29-NQ/TW và 19-NQ/TW để từ đó kiến nghị lên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo của đất nước trong thời gian tới.

Mục đích

Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu kêu gọi và tạo điều kiện cho các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Quy hoạch Hệ thống giáo dục quốc dân cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra, để cùng đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam theo đúng tinh thần các Nghị quyết số 29 và 19.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm tạo dựng mạng lưới nghiên cứu giữa các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả cùng trao đổi, hợp tác nghiên cứu các vấn đề của hệ thống giáo dục quốc dân để thích ứng với thời đại toàn cầu hóa hiện nay, góp phần đưa các nghị quyết 29 và 19 sớm đi vào cuộc sống.

Các chủ đề tham luận

Các bài tham luận cho Hội thảo tập trung vào những vấn đề sau:

– Vai trò, đặc trưng và các thuộc tính của hệ thống giáo dục mở;

– Cơ cấu hệ thống giáo dục mở cho giáo dục Việt Nam theo tinh thần NQ 29;

– Hệ thống các cơ sở giáo dục của Việt Nam để bảo đảm định hướng mở;

– Định hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD ĐH và giáo dục nghề nghiệp cho Việt Nam đến năm 2030 theo tinh thần của NQ 19;

– Tương lai của hệ thống trường sư phạm địa phương;

– Cấu trúc tổ chức của các đại học đa lĩnh vực, học viện và trường đại học;

– Mô hình trường cao đẳng cộng đồng/đại học cộng đồng  ở Việt Nam;

– Các loại hình cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp đáp ứng nhu câu nhân lực cho Việt Nam;

– Phân loại các cơ sở giáo dục theo thuộc tính sở hữu;

– ………..

Đại biểu tham dự

Khoảng 200 đại biểu, bao gồm:

– Đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước;

– Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam và các đơn vị đồng chủ trì;

– Các sở giáo dục và đào tạo;

– Các trường đại học, cao đẳng;

– Các doanh nghiệp về khoa học, công nghệ;

– Các chuyên gia giáo dục.

Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo

– Thời gian: Tháng 5 năm 2019

– Địa điểm: Hà Nội.

Đăng kí tham dự và viết báo cáo Hội thảo

a/ Đăng ký tham dự hội thảo:

Sau khi xác định thời gian và địa điểm cụ thể, Ban Tổ chức hội thảo sẽ gửi thông báo để Quý vị đại biểu đăng ký danh sách tham dự.

b/ Tham luận hội thảo

Báo cáo cáo toàn văn gửi về email: hiephoidhcdvn@gmail.com

Hạn chót nhận báo cáo toàn văn: ngày 05/4/2019

– Quy cách báo cáo: tối đa 12 trang A4, font Times New Roman (unicode), font size 14, top margin 3cm, bottom margin 2,5cm, left margin 3cm, right margin 2,5cm, kèm file (đĩa mềm hoặc gửi qua email).

Tiêu đề của báo cáo chữ in đậm, cỡ chữ 15, dưới tiêu đề xin ghi rõ họ và tên tác giả, học hàm, học vị, đơn vị, thông tin liên hệ (E-mail, số di động).

Để Hội thảo đạt kết quả mong muốn, Ban tổ chức rất mong được đón tiếp đông đảo đại biểu và sớm nhận được báo cáo tham luận từ Quý vị.

Trân trọng ./.