“Phải kiên quyết từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản thì mới có được tự chủ đại học đích thực” – TS Lê Viết Khuyến

Ngày 27/05/2021

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, hiện nay để triển khai tự chủ đại học có rất nhiều việc cần phải làm, và nếu không có được sự chuẩn bị mang tính hệ thống thì không những thành quả sẽ không đến mà rất có thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN phát biểu Toạ đàm, cần từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản để có tự chủ đại học đích thực. 

Chúng tôi cho rằng trước mắt có 5 nội dung cần tập trung làm ngay để hy vọng Việt Nam sớm có được tự chủ đại học đích thực.

Một là, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, như đã chỉ ra từ nhiều năm nay tại các Nghị quyết 14, 89 của Chính Phủ. Rõ ràng nếu còn duy trì cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học sẽ không có quyền tự chủ thực sự mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa. Để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học .Tuy nhiên đây không phải là một việc dễ dàng. Trên thưc tế cho tới nay nhiều cơ quan chủ quản của các trường công lập vẫn có tâm lý lo sợ bị “mất trường” nên tạo sức ép dữ dội tới việc ban hành các văn bản pháp lý dưới luật khi triển khai chủ trương này. Có thể lấy ví dụ, khi soạn thảo Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật GD ĐH số 34, cho tới phút chót đã xuất hiện khái niệm “mập mờ” “cơ quan quản lý trực tiếp có thẩm quyền” thay cho khái niệm “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” và đã trao cho cơ quan này những quyền lực rất lớn.

thể đề xuất một giải pháp trung gian là trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản. Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có thể tác động lên hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đó. Có thể xem đây như là cơ chế “bán tự chủ”. Còn nếu không làm được việc này thì chưa thể nói tới chuyện trao quyền tự chủ cho trường đại học.

Cũng cần lưu ý : Xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng. Bỏ đi nguyên tắc đó nhàtrường sẽ rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.

Hai là, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19 đã khẳng định . Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của đại diện chủ sở hữu (khi trường còn chưa được tự chủ) cho chính Hội đồng trường (khi trường đã được tự chủ).

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (số 34/2018/QH14): “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, tức là cộng đồng xã hội là chủ sở hữu; còn trường tư thục, trường dân lập…sẽ có chủ sở hữu có thể không như vậy. Do đó không phải Hội đồng trường của tất cả các loại hình cơ sở GDĐH đều có thành phần giống nhau mà tùy vào tính sở hữu của từng loại hình trường mà có thành phần đại diện khác nhau.

Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Ngay cả khi đã xóa bỏ cơ quan chủ quản hoặc xóa cơ chế cơ quan chủ quản mà việc thành lập Hội đồng trường và chức năng của Hội đồng trường không theo nguyên tắc vừa nêu thì việc trao quyền tự chủ cho trường đại học cũng không thành công.

Ba là, khi đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xuhướng trao quyền tự chủ cho các trường; nhưng rất tiếc hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn được xây dựng theo thể chế tập quyền (chấp nhận tồn tại cơ quan chủ quản).

Trong khi Hội đồng trường hoạt động phải theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực.

Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; do đó muốn thực hiện thuận lợitrao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ. Khi đó các trường tự chủ sẽ yên tâm vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng còn chưa dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường. Vấn đềnày đã được nhắc đến ở Nghị định 16 cũng như ở các Nghị quyết 89 và 35 của Chính Phủ nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy đâu.

Bốn là, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đai học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ.Các văn bản pháp lý về quản lý giáo dục đại học cần sớm được điều chỉnh theo hướng này.

Năm là, Nhà nước cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường – Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Để khẳng định nguyên tắc lãnh đao toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường . Trong vai trò đó Chủ tịch HĐT có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên HĐT để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của HĐT.

Chỉ khi nào làm được năm điều này thì mới có tự chủ đại học đích thực ở Việt Nam.

Ngày 26/5/2021

CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ TRIỂN KHAI CHỦ TRƯƠNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

A. CÁC NGHỊ QUYẾT, CHỈ THỊ CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ ĐỊNH HƯỚNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

1a. Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29

2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 2/11/2002 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020

4. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

5. Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016

4a. Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 91//12017 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017

6. Nghị quyết số 35/2019/NQ-CP ngày 4/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025

B. CÁC VĂN BẢN PHÁP QUY CỦA NHÀ NƯỚC VỀ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

1a. Bộ Luật dân sự 2005

1b. Bộ Luật dân sự 2015

2a. Luật Giáo dục đại học 2012

2b. Luật 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

3a. Nghị định số 34/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

3b. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

3c. Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập

4. Nghị định số 99/2019-NĐ-CP ngày 30/12/2016 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

5.Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

6. Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

7a. Công văn số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 về cho phép trường đại học Tôn Đức Thắng được thực hiện các nghĩa vụ tài chính như một trường ngoài công lập

7b. Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017

TIến sỹ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN

Ban TT – SV