Lựa chọn dạy học trực tuyến hay dạy học qua truyền hình – TS. Vũ Ngọc Hoàng Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐVN

Ngày 08/09/2021

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW. Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục, đặc biệt là việc học trực tuyến trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.

Để việc học trong thời gian học sinh không đến trường diễn ra hiệu quả, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có đôi lời góp ý, muốn tập trung đề cập đến việc lựa chọn phương thức dạy học ở khối giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay, sử dụng dạy học trực tuyến hay dạy học qua truyền hình.

Theo tìm hiểu của Hiệp hội chúng tôi, dạy học trực tuyến (qua Internet) là phương thức dạy học mới xuất hiện, cho phép khoán gọn hoạt động này tới tận từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, thậm trí tới từng giáo viên, nhưng có nhược điểm là đòi hỏi công nghệ cao, không phải mọi học sinh đều có điều kiện thụ hưởng.

Dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học truyền thống, đã được triển khai rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, có ưu việt là dễ tiếp cận tới tận từng người học, bất kể giàu nghèo, có chi phí thấp nếu tận dụng được hệ thống mạng lưới truyền hình trung ương và địa phương. Điểm khó chỉ là ở chỗ phương thức này đòi hỏi cơ quan quản lý cấp cao về giáo dục phải chỉ đạo tập trung, phải biết hợp tác tốt với nhiều cơ quan quản lý khác ở tầm quốc gia.

Hiện nay, chúng ta vẫn lựa chọn dành ưu tiên áp dụng đại trà cho phương thức dạy học trực tuyến cho cả 3 cấp học của giáo dục phổ thông. Theo quan điểm của Hiệp hội chúng tôi, đây là một quyết định có nhiều rủi ro, chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Quyết định đó có thể sẽ dẫn tới việc hạn chế kết quả học tập cho phần lớn học sinh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, xét trên cả phương diện sức khỏe (bệnh về mắt) và phương diện tâm lý lứa tuổi, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.

Hai là, gây khó khăn lớn cho gia đình và học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong thu nhập kinh tế, đặc biệt ngay trong mùa dịch Covid-19 này. Kết quả dẫn tới sẽ là hiện tượng học sinh bỏ học nhiều.

Từ phân tích trên, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nên triển khai việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh khối giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Hà Nội và một số địa phương khác đã làm rất hiệu quả việc dạy học qua truyền hình ở đợt dịch thứ nhất (tháng 3 đến tháng 5-2020).

TS.VŨ NGỌC HOÀNG

Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam