HỢP TÁC VỀ GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG NGHIỆP TRẺ MẮC CHỨNG TỰ KỶ

Ngày 27/03/2019

Ngày 26/3/2019 tại Cung Trí thức Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết Hợp tác giữa Hiệp hội Các trường ĐH CĐ Việt Nam với Hiệp hội tự kỷ CHLB Đức về giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ.

Sau lễ ký kết, là cuộc hội thảo và tọa đàm sôi nổi của hơn 100 đại biểu tham dự hội nghị về các vấn đề trẻ tự kỷ ở Việt Nam cũng như ở CH LB Đức và thế giớí. Các tham luận và ý kiến trao đổi rất thiết thực, đề cập các vấn đề “nóng” liên quan đến giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp và sử dụng nguồn lực người tự kỷ đã được đào tạo. Có vấn đề về trẻ tự kỷ được kiến nghị Quốc Hội xem xét đưa và Luật Giáo dục, hiện đang xin ý kiến để sửa đổi, bổ sung góp ý và thông qua trong năm 2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Hồng Quân nếu rõ:

“Hôm nay tôi rất vui mừng, thay mặt Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng ngài Maria Kaminski – Chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ CHLB Đức ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa hai hiệp hội. Đây là sự kiện diễn ra tại Cung Trí thức, Thủ đô Hà Nội, một hoạt động rất đáng ghi nhớ trong năm 2019, đánh dấu mốc quan trọng trong  mối quan hệ hợp tác của hai hiệp hội chúng ta, nhằm nghiên cứu và chinh phục một lĩnh vực mới- một căn bệnh của thời đại – căn bệnh tự kỷ.

Thay mặt BCH Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, tôi hoan nghênh sáng kiến của Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực đã kết nối để hai hiệp hội chúng ta có được sự hợp tác cần thiết, kịp thời góp phần giải quyết những vấn đề khá nan giải và phát sinh ngày càng tăng trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Sau lễ ký kết hợp tác, chúng ta sẽ có cuộc tọa đàm, trao đổi sâu hơn về các vấn đề xoay quanh tự kỷ ở Việt Nam, ở LB Đức, cũng như trên thế giới. Chúng ta biết rằng, mỗi cá nhân tự kỷ là duy nhất, không ai giống ai. Nhưng chúng ta cũng biết, nhiều người mắc hội chứng phổ tự kỷ có những khả năng đặc biệt về âm nhạc, hội họa, thị giác, khả năng học tập, sáng tạo trong khoa học công nghệ. Khoảng 40 % số người bị tự kỷ có khả năng trí tuệ trên mức trung bình. Thật vậy, nhiều người mắc tự kỷ tự hào và xứng đáng với những khả năng đặc biệt của họ. Khác với chứng tự kỷ có khuyết tật đáng kể và không thể sống độc lập, khoảng 25 % số trẻ mắc tự kỷ không thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp nhưng trẻ hoàn toàn có thể học cách giao tiếp bằng cách sử dụng các phương tiện khác.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thì ở Mỹ cứ 68 trẻcó 1 trẻ bị tự kỷ. Tỷ lệ này tăng gấp 10 lần trong vòng 40 năm qua. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, số lượng bé trai mắc hội chứng này cao gấp 4 đến 5 lần so với các bé gái. Còn ở Việt Nam ta thì sao? Có thể tỷ lệ trẻ tự kỷ đang ít hơn ở Mỹ, nhưng sự gia tăng trong những năm gần đây là khá nhanh.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có nghiên cứu bài bản, dự báo tình hình phát triển, tìm ra các nguyên nhân, tìm ra các giải pháp khắc phục và hạn chế sự phát triển nhanh chóng của căn bệnh này. Đồng thời nghiên cứu tìm ra các liệu pháp điều trị khoa học phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất với chính phủ và các tổ chức liên quan có chiến lược lâu dài và giải pháp kịp thời. Đặc biệt, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ hợp tác với Hiệp hội tự kỷ CHLB Đức để phát hiện, đào tạo những học sinh, sinh viên tự kỷ có khả năng đặc biệt, có thiên hướng phát triển tư duy sáng tạo đột biến.

Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực, trực thuộc Hiệp hội, có nhiệm vụ kết nối các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu, triển khai các giải pháp trị liệu, đào tạo nhân lực từ các học sinh sinh viên thuộc nhóm hội chứng tự kỷ nói trên.

GS. Trần Hồng Quân  mong rằng, văn bản ký kết hợp tác giữa hai hiệp hội của chúng ta hôm nay sẽ nhanh chóng chuyển thành các chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào giải quyết những vấn đề cấp bách của cuộc sống hiện đại, khi đất nước chúng ta đang phát triển nhanh, mạnh với sự chi phối ngày càng sâu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0). Chúng ta phải biến trẻ tự kỷ thành nguồn nhân lực có ích cho xã hội.”

Đây là kết quả hoạt động thiết thực của Thường trực Hiệp hội và các đơn vị Viện, Trung tâm trực thuộc, nhằm triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành Hiệp hội  năm 2019 (vừa được ban hành ngày 5/3/2019). Trong đó có nhiệm vụ tăng cường kết nối giữa các Hội, Hiệp hội thuộc cùng lĩnh vực giáo dục – đào tạo, kể cả các Hội nghề nghiệp, trong và ngoài nước với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN. Nhiều đơn vị tham gia hội thảo đã rất hoan nghênh Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đã có những hoạt động tích cực, tạo ra sự kết nối giữa các đơn vị hoạt động riêng rẽ trong lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ trên địa bàn cả nước.

Văn Đình Ưng

Dưới đây là nội dung bản ghi nhớ của hai Hiệp hội:

  1. MỤC ĐÍCH HỢP TÁC

1.1. Nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo nhân lực hỗ trợ người tự kỷ ở Việt Nam.

1.2. Nghiên cứu và chuyển giao phương pháp chẩn đoán, trị liệu cho người tự kỉ ở Việt Nam.

1.3. Nghiên cứu và hướng dẫn cách thức hỗ trợ giúp người tự kỉ hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

1.4. Đào tạo đội ngũ giảng viên hướng dẫn kĩ năng nghề nghiệp cho người tự kỉ.

  1. NỘI DUNG HỢP TÁC

2.1. Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, các bên phối hợp nghiên cứu và hỗ trợ những người mắc chứng tự kỷ.

2.2. Tổ chức thực hiện các nghiên cứu, các hoạt động liên quan đến vấn đề cách thức chẩn đoán và trị liệu đối với những người mắc chứng tự kỷ:

– Tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học về các chủ đề liên quan người mắc chứng tự kỷ;

– Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực tổ chức ứng dụng các chương trình chẩn đoán, trị liệu và hỗ trợ kỹ năng cho người mắc chứng tự kỷ của Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức tại một số trung tâm nuôi dưỡng người mắc chứng tự kỷ tại Việt Nam.

2.3. Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho đội ngũ giảng viên hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp cho người mắc chứng tự kỷ:

– Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đào tạo và chuyển giao chương trình giảng dạy kỹ năng nghề cho người mắc chứng tự kỷ (chứng chỉ đào tạo do Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cấp);

– Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đào tạo và chuyển giao chương trình đào tạo giảng viên giảng dạy cho phụ huynh và người chăm sóc người mắc chứng bệnh tự kỷ (chứng chỉ đào tạo do Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cấp);

– Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức hỗ trợ kết nối với các trung tâm đào tạo nghề cho người mắc chứng tự kỷ tại Đức để phía Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm;

– Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực tổ chức đào tạo giảng viên theo chương trình của Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức;

– Xây dựng, xuất bản giáo trình đào tạo giảng viên giảng dạy kỹ năng hội nhập xã hội cho người mắc chứng tự kỷ.

2.4. Tổ chức hướng dẫn cách thức giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng, gia đình:

– Nghiên cứu chế độ chính sách liên quan đến người mắc chứng tự kỷ trước hết là các chế độ chính sách giúp người mắc chứng tự kỷ có đủ kỹ năng hội nhập xã hội, tự quyết định cuộc sống;

– Hai bên cùng xây dựng chương trình hỗ trợ hội nhập xã hội cho người tự kỷ, ứng dụng tại Việt Nam, bài học kinh nghiệm từ phía Đức.

2.5. Hai bên cùng chia sẻ thông tin, trao đổi các vấn đề phát sinh (nếu có).

  1. PHƯƠNG THỨC HỢP TÁC

3.1. Việc tổ chức các hoạt động dựa trên cơ sở hợp tác bình đẳng, công khai, minh bạch và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động có liên quan.

3.2. Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có kế hoạch phối hợp chặt chẽ để thực hiệnhiệu quả hoạt động hợp tác giữacác bên, bao gồm:

– Hai bên cùng tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm theo phương thức định kỳ 2 năm một lần, luân phiên tổ chức tại Việt Nam và Đức;

– Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cử người sang trực tiếp đào tạo, chuyển giao chương trình đào tạo giảng viên tại Việt Nam cho Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; phía Hiệp hội Việt Nam cử người trực tiếp sang nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm tại Đức;

– Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giao đơn vị trực thuộc là Viện Nghiên cứu tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện các nội dung của bản ghi nhớ này.

  1. TÀI CHÍNH

Hiệp hội Tự kỉ Liên bang Đức tự nguyện hợp tác với Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam không yêu cầu trả kinh phí.

Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực bảo đảm kinh phí triển khai các hoạt động cụ thể có trong bản ghi nhớ này.

Từng hoạt động cụ thể sẽ được hai bên trao đổi thống nhất về điều kiện thực hiện.

  1. THỜI GIAN THỰC HIỆN

5.1. Định kỳ hàng năm hai bên tổ chức đánh giá hoạt động phối hợp và xác định chương trình phối hợp trong thời gian tiếp theo.

5.2. Trong trường hợp một trong hai bên có nguyện vọng yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ bản ghi nhớ này phải thông báo và thống nhất bằng văn bản với bên kia.

5.3. Mỗi bên cử người và giao nhiệm vụ làm đầu mối để liên hệ và trao đổi thông tin, giúp lãnh đạo xây dựng kế hoạch và theo dõi triển khai thực hiện những nội dung đã thỏa thuận.

5.4. Hai bên nhất trí thực hiện nội dung đã ký kết trong bản ghi nhớ này.

5.5. Bản ghi nhớ này được làm thành 04 bản, mỗi bên giữ 02 bản có giá trị như nhau và có hiệu lực kể từ ngày ký kết.