‘Du học có cơ hội tìm thấy chính mình’

Ngày 19/03/2022
Nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi – Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education (hàng trên bên phải), bà Phoebe Trần – host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education (hàng dưới bên trái), bà Phạm Thị Cúc Hà – nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam (hàng dưới bên phải) và host của chương trình – PGS. TS. Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM. Ảnh: Chụp màn hình

Hành trình trải nghiệm nền văn hóa mới giúp du học sinh trưởng thành, tự tin hơn theo bà Phạm Thị Cúc Hà , nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam.

Tại tọa đàm đầu tiên của chuỗi Shine with Australia, nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi – Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education, bà Phoebe Trần – host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education cùng bà Phạm Thị Cúc Hà – nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hanoi Adelaide School đã chỉ ra những giá trị thiết thực do quá trình học tập tại nước ngoài đem lại và những kỹ năng cần có khi du học trên toàn thế giới nói chung, Australia nói riêng trong thời bình thường mới.

Độc giả xem chương trình tại đây.

Các diễn giả đồng quan điểm giá trị lớn nhất của du học là có những trải nghiệm mới. “Điều mình học qua một cuốn sách, ai cũng học được. Nhưng, nếu mình học qua sự trải nghiệm, đó là một điều rất đặc biệt”, nghệ sĩ Thanh Bùi khẳng định.

Ông cũng cho rằng, cha mẹ Việt Nam thường quá nuông chiều con, dẫn tới các bạn không biết tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Tuy nhiên, khi tới một đất nước hoàn toàn xa lạ, du học sinh hoàn toàn phải học làm những điều đó và sắp xếp thời gian một ngày sao cho hợp lý. Đó là trải nghiệm để sống và trưởng thành hơn.

Bà Cúc Hà nhấn mạnh, với sự phát triển của công nghệ, việc học không còn bó hẹp trong một đất nước. Học sinh có thể học bất cứ chương trình của quốc gia nào qua hình thức trực tuyến hay liên kết, tích hợp chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, việc du học hơn học tập trong nước ở những trải nghiệm bên ngoài, từ những điều nhỏ nhất, khi sinh sống ở một nơi xa lạ.

Từ câu chuyện thực tế của mình khi còn sống tại Singapore, bà Phoebe Trần cũng nhận định trải nghiệm cuộc sống bên ngoài vòng tay bố mẹ sẽ giúp các bạn trẻ tự tin hơn, đồng thời, biết yêu thương và chấp nhận sự khác biệt của những người xung quanh.

Bà Phoebe Trần – host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, việc tiếp cận với nền văn hóa khác cũng giúp các bạn trẻ có tư duy mở, tích lũy kỹ năng đặc trưng trong lối sống và cách làm việc của đất nước đó. Thanh Bùi ví dụ như tại Australia, điều nổi bật nhất của đất nước này là cách mọi người làm việc nhóm, cạnh tranh lành mạnh và sự công bằng nhất định giữa các đối tượng trong xã hội.

Tuy nhiên, sinh viên cần trau dồi một số kỹ năng để nắm trọn được những giá trị mà du học đem lại. Theo host chương trình IELTS Face-off, điều đầu tiên học sinh cần làm là tư duy bứt phá khỏi vỏ bọc của gia đình. Bởi lẽ, khi đến một đất nước mới, các bạn có thể nhìn thấy nhiều yếu tố khác góc nhìn trước đó.

“Ví dụ, khi ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều coi trọng điểm số nhưng khi tới Australia hay một số quốc gia khác, bạn có thể không đạt điểm cao nhưng bạn có nhiều trải nghiệm khác như đi làm sớm hay đạt thành tựu nào đó về cuộc sống”, Phoebe Trần phân tích.

Thanh Bùi cũng khuyên các bạn trẻ sống hết mình, không sợ tiếp cận bất cứ cơ hội nào và làm tất cả những việc bản thân có thể. Từ đó, du học sinh có thể tìm được niềm đam mê thực sự và câu trả lời cho các băn khoăn như mình là ai, tại sao mình sống ở đây hay mục tiêu của mình là gì. “Khi đó, công việc không còn là công việc, đó chỉ là một cuộc chơi, khám phá”, ông nói thêm.

Nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi – Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng quan điểm với hai diễn giả trẻ, tuy nhiên, dưới góc nhìn của một bà mẹ, bà Cúc Hà khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi đam mê với một kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Theo bà, kỹ năng thích ứng, điều tất yếu trong bối cảnh “bất định” hiện nay, sẽ bắt đầu từ việc đặt mục tiêu thực tế và lên lộ trình để đạt được.

Song song, các bạn trẻ cũng không nên nhất nhất theo đuổi mục tiêu. Những biến đổi không ngừng do sự phát triển của công nghệ và ảnh hưởng từ Covid-19 buộc mỗi người phải linh hoạt, điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp với thực tế tại thời điểm đó.

“Việc học trường nào cũng không quá quan trọng bởi khi học đại học, điều quan trọng là bạn phải biết tự điều chỉnh và tự học”, bà nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Cúc Hà , nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, các diễn giả cũng khuyên các bạn trẻ nên tận dụng mọi tài nguyên học tập như người đi trước, các buổi tọa đàm, phần mềm học trực tuyến…, đồng thời, phân tích tiềm năng nội tại, trung thực với bản thân để nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nghệ sĩ Thanh Bùi bổ sung, các bạn trẻ cần có sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Vấn đề có ở khắp mọi nơi, không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Do đó, tự do trong suy nghĩ là điều rất cần thiết để tìm ra câu trả lời cho chính mình.

“Đừng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm hay đánh giá của mọi người xung quanh, cũng đừng ngại đưa ra quyết định. Các em có quyền được sai, để từ đó học hỏi nhiều hơn”, ông khuyên.

Nhật Lệ