Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tổ chức kỳ thi Olympic cho học sinh giỏi toàn quốc

Ngày 21/03/2022
Các em học sinh giỏi trên toàn quốc tham gia kỳ thi Olympic do Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên tổ chức – Ảnh: ĐHQGHN

TTO – Cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; khuyến khích thầy trò phát huy năng lực sáng tạo, tìm kiếm học sinh có năng khiếu về môn học đào tạo học sinh giỏi để xét tuyển vào đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 20-3, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cho 622 thí sinh (chiếm 80,8%) ở các đội tuyển học sinh giỏi (do các trường THPT trên toàn quốc thành lập) tham dự kỳ thi Olympic năm học 2021 – 2022. Đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi này.

GS Nguyễn Đình Đức – trưởng ban đào tạo, phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi – cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi này nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh phát huy năng lực sáng tạo; tạo cơ hội cọ xát, học hỏi nâng cao chất lượng giảng dạy bậc THPT; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng học sinh giỏi để xét tuyển vào đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học sinh tham gia kỳ thi phải trải qua 10 môn thi do Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đăng cai tổ chức, gồm: văn, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Trong đó, xây dựng cấu trúc và ra đề môn ngoại ngữ do Trường đại học Ngoại ngữ xây dựng; Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn xây dựng cấu trúc và ra đề thi môn văn, sử; Trường THPT Khoa học giáo dục xây dựng cấu trúc và ra đề thi môn địa.

Cụ thể, môn ngoại ngữ gồm 2 bài thi: trắc nghiệm 60 câu hỏi (45 phút) và nói (thí sinh độc thoại với giám khảo theo chủ đề được nhận trong 8 phút). Cấu trúc đề văn trong 180 phút gồm 2 câu tự luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Còn môn sử gồm 6 câu dạng tự luận, thời gian 180 phút (lịch sử Việt Nam 4 câu và lịch sử thế giới 2 câu). Môn địa gồm 7 câu tự luận.

Nội dung thi nằm trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông, nội dung dạy học các môn chuyên trường THPT.

Về thang điểm, môn thi ngoại ngữ được tính thang điểm 100, trong đó, phần thi trắc nghiệm 60 điểm và phần thi nói 40 điểm. Các môn thi văn, sử, địa tính thang điểm 20.