CLB Cao đẳng Sư phạm tọa đàm góp ý Dự thảo Điều lệ

Ngày 09/06/2021

Ngày 08/6, Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý cho Dự thảo điều lệ trường cao đẳng sư phạm. Đại diện lãnh đạo 23 trường cao đẳng sư phạm trên cả nước tham dự đầy đủ..

Tham dự Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng- Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội; Lãnh đạo văn phòng, các ban thuộc Hiệp hội; Cùng dự có Đại diện Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu –Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2021 – 2025 chủ trì cuộc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội đánh giá cao vai trò của hệ thống các trường cao đẳng sư phạm cả nước hơn 50 năm qua.Khi đó ngoài các trường đại học sư phạm chung cho cả nước, hầu như mỗi tỉnh đều có trường cao đẳng sư phạm để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở. Đến nay chỉ còn 23 trường, lại đang đứng trước tình trạng chưa có điều lệ để hoạt động, điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ?

Trong thời gian qua, các trường sư phạm ở nhiều tỉnh đều đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện được phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Trong tương lai, các trường cao đẳng sư phạm phải phấn đấu, từng bước trở thành các trường đào tạo đa ngành ở địa phương. Vì vậy, dự thảo điều lệ trường cao đẳng sư phạm phải tạo hành lang pháp lý để các trường tiếp tục hoạt động theo định hướng đó.

Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm CLB Hồ Cảnh Hạnh, Chương trình tọa đàm góp ý Dự thảo Điều lệ trường Cao đẳng sư phạm đã có nhiều ý kiến góp ý, đa số ý kiến đã góp bằng văn bản gửi tới Ban tổ chức (tập hợp được 28 trang), đồng thời tại cuộc tọa đàm cũng có hơn 10 ý kiến nữa.

Các ý kiến được Ban tổ chức gom thành các nhóm:

Thứ nhất, hiện nay, đa số các trường cao đẳng sư phạm vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo một số ngành (ngoài sư phạm trước đây) mà nay thuộc giáo dục nghề nghiệp. Điều lệ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo giáo viên mầm non, quan hệ với cơ sở giáo dục mầm non,…

Thứ hai, trong điều lệ không nên dẫn chiếu điều luật mà ghi cụ thể những nội dung để thể hiện đặc thù trường cao đẳng sư phạm (hiện tại là không thuộc đối tượng điều chỉnh tại các nghị định Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục Đại học).

Thứ ba, các trường trường cao đẳng sư phạm có các cơ quan quản lý cấp trên (chủ quản) khác nhau (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo), cho nên cần có quy định rõ về cơ quan quản lý cấp trên của trường cao đẳng sư phạm bám vào quy định tại Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, đối với trường cao đẳng sư phạm công lập, Hội đồng trường chưa hẳn là đại diện quyền sở hữu của nhà trường; tổ chức Đảng lãnh đạo toàn diện hoạt động nhà trường; ngoài ra còn chịu sự quản lý của nhiều chủ thể liên quan đến tài chính, nhân sự. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội ghi nhận các ý kiến của các trường rất phong phú và tâm huyết. Thực tế cho thấy, tình hình của các trường Cao đẳng Sư phạm đang rất nóng, có khả năng tự tan rã, nếu không có chủ trương đúng, điều lệ đúng. Cái khó là xây dựng điều lệ của trường cao đẳng sư phạm chưa rõ chịu sự định chế của Bộ nào? Bộ GD-ĐT hay Bộ LD-TB-XH? May mắn là CDSP đang chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT, tức là đang có tiêu chí đào tạo của loại hình cao đẳng “xịn”. Chứ không phải loại cao đẳng nghề với các tiêu chí bị hạ thấp chuẩn.

Nhưng nếu cao đẳng sư phạm chỉ có nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non thì sứ mệnh của các trường này hết sức hạn hẹp. Nếu không được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, không được giao bồi dưỡng giáo viên tiểu học và THCS thì các trường này khó mà tồn tại.

Muốn duy trì các trường cao đẳng sư phạm thì cần xác định rõ sứ mệnh của các trường này, cho phép đào tạo ít nhất là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, được đảm nhận bồi dưỡng, tập huấn giáo viên từ mầm non tới THCS, được thành lập trường phổ thông liên cấp trong trường cao đẳng sư phạm. Đồng thời trong thời đại mở cửa hợp tác quốc tế cũng cho phép cao đẳng sư phạm liên kết với các trường đại học trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ban Chủ nhiệm CLB sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể gửi Hiệp hội và Vụ Đại học để hoàn thiện Đự thảo Điều lệ. Các trường mong muốn sớm thông qua và ban hành Điều lệ để các trường xây dựng chương trình hoạt động của nhà trường./

Văn Đình Ưng