“ Chuyển đổi số giúp đổi mới và hiện đại hóa giáo dục đại học” – Chủ tịch Hiệp hội. TS. Vũ Ngọc Hoàng

Ngày 23/10/2021

TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN


Chuyển đổi số giúp chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, tiến lên cùng với cộng đồng thế giới văn minh – TS. Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN

Ngày 22/10, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”.

Tham dự hội thảo về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn.

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch; Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực; Ông Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch cùng các trưởng ban chuyên môn của Hiệp hội.

Hội thảo kết nối ở hơn 400 điểm cầu với hơn 1.600 thầy cô của các trường đại học, cao đẳng tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, ngày nay tri thức của nhân loại đang phát triển theo cấp số nhân với tốc độ chưa từng có. Mỗi ngày, mỗi giờ đều có bổ sung rất nhiều kiến thức mới. Sau thời gian chưa đầy một thập kỷ, kiến thức của nhân loại có thể nhân lên gấp đôi. Trong khi ngày xưa, muốn gấp đôi như thế phải mất một nghìn năm, rồi mấy trăm năm, và sau cùng là một số thập kỷ.

Sự phát triển tri thức nhanh như vậy là do tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ. Trong đó, công nghệ thông tin đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp con người tiến những bước rất xa trong chia sẻ và tương tác thông tin để thúc đẩy tư duy sáng tạo.

Ngày 22/10, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”.

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, rồi đây công nghệ thông tin còn tiếp tục đưa tới những tiến bộ vượt bậc tiếp theo, giúp tạo ra sự thay đổi đến mức căn bản phương thức hoạt động của con người trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn gấp bội so với các thời kỳ đã qua.

Trong kỷ nguyên thông tin, số hóa đã và đang bắt đầu, thông tin là nguồn tài nguyên lớn nhất, quý giá nhất và không bao giờ cạn kiệt. Nguồn tài nguyên này, trong quá trình sử dụng, chúng không mất đi hay giảm xuống như mọi thứ tài nguyên vật chất khác. Ngược lại, nếu sử dụng tốt, chúng còn tăng dần lên, ngày càng giàu có và phong phú hơn.

Tài nguyên thông tin sẽ tồn tại chủ yếu dưới dạng dữ liệu được số hóa. Dữ liệu mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sử dụng và chia sẻ gọi là dữ liệu mở. Các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân có thể sử dụng dữ liệu mở để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Số hóa và dữ liệu mở sẽ song hành.

Ngày nay, dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng là tài nguyên không thể thiếu cho các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ góc độ cấp phép, dữ liệu trở thành dữ liệu mở và có ích, giúp cho người sử dụng không bị lệ thuộc và trói chặt vào nhà cung cấp độc quyền.

Dữ liệu mở được sử dụng vào giáo dục gọi là tài nguyên giáo dục mở. Và tài nguyên giáo dục mở là xu thế toàn cầu, không thể đảo ngược được. Tài nguyên giáo dục mở sẽ đem lại lợi ích to lớn cho giảng viên, sinh viên và các cơ sở giáo dục đào tạo. Việc liên thông các thư viện là một trong những bước đi đầu tiên cần thiết cho chuẩn hóa dữ liệu và chuẩn bị cho triển khai tài nguyên giáo dục mở.

Khuyến nghị tài nguyên giáo dục mở của UNESCO đã được phê chuẩn năm 2019. Hội nghị Giáo dục mở toàn cầu cũng vừa diễn ra và kết thúc ngày 01/10/2021.

Dữ liệu mở là một trong các thành phần cơ bản của khoa học mở, một xu hướng khách quan mà chúng ta không thể đứng ngoài. Khoa học mở và giáo mở sẽ song hành. UNESCO đang dự kiến cuối năm nay sẽ đưa ra phê chuẩn Khuyến nghị Khoa học mở, sẽ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở.