Chương trình phối hợp hoạt động giữa BGD&ĐT với Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam

Ngày 07/03/2017

Chương trình phối hợp hoạt động giữa BGD&ĐT với Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 04 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 3/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều lệ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam;

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) thống nhất ban hành Chương trình khung về những nội dung chính phối hợp hoạt động giữa Bộ GDĐT và Hiệp hội giai đoạn 2015- 2020. Trên cơ sở chương trình này, hai bên sẽ xây dựng chương trình phối hợp chi tiết cho từng năm để triển khai thực hiện.

I. Mục đích

1. Bộ GDĐT và Hiệp hội (sau đây gọi tắt là hai cơ quan) phối hợp hoạt động nhằm triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQTW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8, Khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 44/2014/NQ-CP ngày 09/6/2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với giáo dục đại học và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 –NQ/TW.

2. Phát huy tiềm năng, trí tuệ của các hội viên đóng góp vì sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

II. Nội dung

1. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội xây dựng các chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động của các trường đại học, cao đẳng trong đó quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ngoài công lập có cơ hội tiếp cận các ưu đãi của nhà nước về đất đai và chính sách thuế, tín dụng và các vấn đề khác có liên quan thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các trường đại học và cao đẳng;

b) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội hướng dẫn chuyển đổi các trường đại học dân lập sang tư thục, đồng thời rút kinh nghiệm từ các trường công lập đã được trao quyền tự chủ để xây dựng các tiêu chí tự chủ trường đại học làm cơ sở để nhân rộng mô hình các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn;

c) Ủng hộ và tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng tham gia Hiệp hội;

d) Ủng hộ và tạo điều kiện để Hiệp hội tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế, các hội thảo khoa học, các cuộc triển lãm… để đóng góp những sáng kiến kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục đại học, những đề xuất, ý kiến phản biện đến việc đổi mới, hoàn thiện thể chế của ngành, của nhà nước;

đ) Ủng hộ chủ trương để Hiệp hội tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng trường đại học thông qua tổ chức kiểm định độc lập của Hiệp hội được thành lập theo các quy định của pháp luật hiện hành;

e) Ủng hộ, khuyến khích Hiệp hội tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo, cán bộ các trường đại học, cao đẳng thông qua các tổ chức trong nước hoặc nước ngoài không sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Hiệp hội chịu trách nhiệm:

a) Chủ động phối hợp với Bộ GDĐT trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động các trường đại học, cao đẳng triển khai thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của nhà nước, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các Bộ, Ngành liên quan đến đổi mới giáo dục đại học;

b) Chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế, các hội thảo khoa học, các cuộc triển lãm… để đóng góp những sáng kiến kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục đại học, những đề xuất, ý kiến phản biện đến việc đổi mới, hoàn thiện thể chế của ngành, của nhà nước;

c) Chủ động tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng thông qua các tổ chức trong nước hoặc nước ngoài không sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Chủ động xây dựng Đề án thành lập Quỹ phát triển giáo dục đại học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động và phối hợp với Bộ GDĐT và các trường đại học, cao đẳng triển khai thực hiện Đề án thành lập Quỹ khi đã được TTCP phê duyệt để tăng thêm nguồn lực cho giáo dục đại học, cao đẳng thông qua việc huy động nguồn vốn của xã hội phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của Đảng và Nhà nước;

đ) Chủ trì và phối hợp với Bộ GDĐT trong việc kết nối hợp tác giữa trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội xã hội nghề nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, rèn luyện kinh nghiệm thực tế, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, cơ hội tìm việc làm sau tốt nghiệp;

e) Chủ trì và phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức kết nối giao lưu giữa các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập trong việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, học thuật, chia sẻ nguồn học liệu mở, đổi mới chương trình…, nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, hỗ trợ sinh viên, kinh nghiệm quản trị đại học;

g) Phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện các hoạt động nêu tại điểm a, c, đ mục 1, phần II của Văn bản này.

III. Tổ chức thực hiện

1. Kinh phí tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp lấy từ nguồn ngân sách của hai cơ quan tùy theo từng nội dung phối hợp và kinh phí từ các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu liên quan theo kế hoạch phối hợp của hai cơ quan và các đơn vị liên quan đặt hàng.

2. Vụ Giáo dục Đại học là bộ phận thường trực (triển khai các hoạt động chuyên môn) và Văn phòng Bộ GDĐT làm đầu mối (triển khai các hoạt động hành chính) của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với bộ phận thường trực của Hiệp hội là Văn phòng Hiệp hội, triển khai thực hiện chương trình; thường xuyên trao đổi thông tin, phản hồi, báo cáo Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Hiệp hội để chương trình này triển khai có hiệu quả.

3. Sáu (06) tháng một lần, hoặc đột xuất Lãnh đạo Bộ GDĐT cùng với Lãnh đạo Hiệp hội họp giao ban để rà soát, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện chương trình này và cập nhật những vấn đề mới.