Bầu và công nhận hiệu trưởng: Những khoảng trống pháp lý trong trường đại học công lập

Ngày 04/01/2022

Câu chuyện liên quan đến việc bầu và công nhận hiệu trưởng tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng như nhiều trường đại học công lập hiện nay chứng tỏ đang có những khoảng trống pháp lý về luật trong các trường. 

Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung cũng như các Nghị định triển khai thi hành các luật này đã và đang bắt đầu áp dụng trong thực tiễn nhưng có nhiều khoảng trống pháp chưa điều chỉnh kịp, gây khó khăn cho các trường đại họccông lập nói riêng cũng như cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung.

Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập hiện nay chịu sự chi phối của luật GDĐH vừa có Hội đồng trường vừa có Hiệu trưởng và cũng là đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự chi phối của luật Viên chức, luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Đầu tư công, luật Ngân sách nhà nước, luật Khiếu nại, luật Tố cáo…nên đã xảy ra một số vấn đề phát sinh trong quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 8.1.2021, Bộ Nội vụ có công văn 110/BNV-CCVC trả lời Bộ GD-ĐT về nội dung Bộ GD-ĐT xin ý kiến để xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập, trong đó nêu: “Từ những văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và trên cơ sở quy định của luật GDĐH, Bộ Nội vụ cho rằng Hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở GDĐH công lập”.

Đang có nhiều khoảng trống pháp lý xung quanh các Hội đồng trường của ĐH công lập

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về quản trị nhà trường, Hội đồng trường (trong đó có đại diện cơ quan Nhà nước đang quản lý trực tiếp trường) là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, có quyền quyết định các vấn đề lớn kể cả cơ cấu tổ chức, nhân sự quan trọng của cơ sở GDĐH. Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất đó. Còn trong quản lý và điều hành các công việc hành chính, thì Hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy hành chính của trường. Điều này phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng năm 2017 đó là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”.

Vừa qua, ông Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (trái) đã nộp đơn từ chức

Với quy định này, “cấp có thẩm quyền” trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác thì rất đơn giản, tức ai bổ nhiệm thì người đó có quyền giao quyền, giao phụ trách. Ví dụ Bộ trưởng Bộ Y tế Bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ là người giao quyền, giao phụ trách. Nhưng đối với cơ sở GDĐH thì theo cơ chế “đặc thù”, cấp có thẩm quyền trong trường hợp này là “Hội đồng trường” hay “cơ quan chủ quản” nên hiện nay vấn đề này chưa được pháp luật quy định rõ. Vì vậy, mới dẫn đến những tình huống có trường hợp Hội đồng trường ra Nghị quyết giao quyền Hiệu trưởng, giao phụ trách đơn vị mà không cần có sự “công nhận” của cơ quan chủ quản; và có trường hợp Hội đồng trường ra Nghị quyết giao quyền Hiệu trưởng nhưng có sự “công nhận” của cơ quan chủ quản.

Vì pháp luật chưa quy định rõ, nên không thể khẳng định vấn đề này trong trường đại học công lập là đúng hay sai. Theo quan điểm cá nhân của tôi thì nên để Hội đồng trường chủ động giao quyền hoặc giao phụ trách cho đơn vị mình. Tuy nhiên, nếu không có giới hạn thời gian giao quyền, giao phụ trách thì sẽ có tình trạng lạm dụng vấn đề này, bỏ qua thủ tục công nhận của cơ quan chủ quản. Vì vậy, cần giới hạn thời gian giao quyền hoặc giao phụ trách không nên quá 9 tháng; tức là việc giao này chỉ để phục vụ quá trình làm nhân sự chính thức.

Theo BĐT Thanh Niên

Ban TT&SV