Công bố quốc tế không là chuẩn mực duy nhất xác định tiến bộ của đào tạo tiến sĩ – PGS.TS Trần Hải Minh

Ngày 21/07/2021

PGS.TS Trần Hải Minh – Phó Trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Quy chế đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đang nhận được nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học, với điểm mấu chốt là công bố các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh.

Nhiều bất cập nếu coi công bố quốc tế là chuẩn mực duy nhất

Vừa qua, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế cho Quy chế ban hành theo Thông tư năm 2017 nhằm điều chỉnh một số quy định trong quy chế cũ (gọi tắt là Quy chế 2017), có ý kiến cho rằng việc ban hành quy chế mới (gọi tắt là Quy chế 2021) không những không tiến bộ lại còn giảm “chuẩn”.

Theo chúng tôi, nếu coi tiêu chí công bố quốc tế như là chuẩn mực duy nhất để đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì có lẽ hơi phiến diện.

Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khi cộng đồng khoa học Việt Nam có nhiều chuyên gia có thể đánh giá, thẩm định những nghiên cứu đặc thù ở Việt Nam thì chúng ta lại dựa vào các công bố quốc tế, trong đó các chuyên gia nước ngoài không am hiểu rõ, chưa đủ khả năng thẩm định, thậm chí đứng ở một hệ tư tưởng khác, không thể có sự đánh giá chính xác về các công bố của các nhà khoa học Việt Nam và sự đóng góp của các công trình này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như tiêu chí cứng có thể dẫn đến tâm lý công bố bằng mọi giá, gây ra những hệ lụy tiêu cực như việc “thuê”, “mua” suất công bố trên tạp chí nước ngoài, không ít là những tạp chí chất lượng thấp hoặc ra đời với mục đích “thu tiền của người viết” (giới chuyên môn gọi là tạp chí săn mồi). Điều này vừa gây tốn kém không nhỏ cho nghiên cứu sinh, vừa không phản ánh thực chất chất lượng nghiên cứu.

Những bất cập của quy định về công bố quốc tế trong Quy chế 2017 cũng được GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học quốc gia Hà Nội phân tích rất sâu sắc trong bài phỏng vấn đề Quy chế mới 2021 đăng trên một số cơ quan báo chí.

Việc nghiên cứu sinh tập trung công bố hoàn toàn các bài viết trên tạp chí hoặc kỷ yếu tiếng nước ngoài mà ít quan tâm đến công bố trên các diễn đàn khoa học của Việt Nam khiến cho chính giới khoa học trong nước không thể thẩm định, đánh giá được chất lượng của các công trình này.

Khuyến khích công bố quốc tế nhưng cần thực chất

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy những sửa đổi theo hướng không coi công bố quốc tế (trên các tạp chí, nhà xuất bản ở nước ngoài) là tiêu chí cứng duy nhất mà còn kết hợp với công bố trên các cơ quan xuất bản có uy tín ở Việt Nam được đánh giá bởi Hội đồng Giáo sư nhà nước (theo Quy chế 2021 là các tạp chí được tính từ 0,75 điểm trở lên, tính tổng điểm của các công bố của nghiên cứu sinh) là phù hợp trong bối cảnh vừa đẩy mạnh hội nhập, vừa nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước theo chuẩn quốc tế.

Các cơ sở đào tạo tùy đặc thù của ngành đào tạo cũng có thể đưa ra thêm các yêu cầu cho nghiên cứu sinh, miễn là không trái hay thấp hơn quy định trong Quy chế 2021 của Bộ. Điều này phát huy tính tự chủ của các cơ sở đào tạo và vai trò của các hội đồng khoa học cấp trường trong đánh giá chất lượng công bố của nghiên cứu sinh thể hiện qua điểm số đánh giá.

Theo chúng tôi, có nhiều cách để chúng ta vẫn có thể hội nhập quốc tế chủ động như mở rộng hợp tác quốc tế để tổ chức hội thảo quốc tế rồi công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước, nâng cao chất lượng các cơ quan xuất bản trong nước ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội của Việt Nam.

Khuyến khích công bố quốc tế nhưng cần thực chất, có chọn lọc và không dẫn đến nguy cơ tuyệt đối hóa việc công bố quốc tế, sính ngoại, xem nhẹ các công bố có chất lượng ở trong nước.

Chúng tôi rất tâm đắc với ví dụ mà GS. TS Vũ Minh Giang đưa ra về thành quả của cuộc chiến chống COVID-19 thời gian qua chính là sự đóng góp, nỗ lực rất lớn của trí thức, giới khoa học Việt Nam. Do đó, cần công nhận các kết quả nghiên cứu có chất lượng ở Việt Nam một cách xứng đáng.

Hy vọng Quy chế 2021 được triển khai sẽ góp phần vào thúc đẩy sự phát triển đúng hướng, lành mạnh và thực chất của nền học thuật Việt Nam.

PGS-TS TRẦN HẢI MINH