Thay đổi chính sách về học phí, xử phạt hành chính trong giáo dục

Ngày 14/02/2022

Mức học phí trần tối thiểu của trẻ mầm non công lập vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng thay cho mức 60.000 đồng/tháng như trước đây

54 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành với những nội dung quan trọng về giáo dục đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, và được thay thế bằng văn bản mới.

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2021. Cụ thể, có 41 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và được thay thế bằng văn bản mới, 13 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần, trong đó có nhiều nội dung quan trọng của giáo dục ĐH, giáo dục mầm non…

Chẳng hạn, Nghị định 86 ngày 2.10.2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phíđối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đã được thay thế bằng Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ.

Tại nghị định mới này, khung học phí mức sàn được quy định riêng cho từng bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT chứ không quy định một mức chung cho cả 4 bậc học như nghị định trước đó. Cụ thể ở vùng thành thị mức tối thiểu là 300.000 đồng/tháng và mức tối đa là 540.000 đồng/tháng (đối với mầm non, tiểu học) và 650.000 đồng/tháng (đối với THCS, THPT), trong khi trước đây mức tối thiểu là 60.000 đồng/tháng và tối đa là 300.000 đồng/tháng cho cả 4 bậc học
Học phí giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH cũng được xác định riêng và phân chia lại các khối ngành. Ở Nghị định năm 2015, mức học phí chia theo 3 khối ngành thì ở quy định mới có sự khác nhau giữa 8 khối ngành (với giáo dục nghề nghiệp) và 7 khối ngành (với giáo dục ĐH).
Đối với quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định mới thay thế cho nghị định năm 2013, có quy định thêm các hình phạt vi phạm trong tuyển sinh bậc trung cấp, CĐ nhóm ngành giáo viên. Bên cạnh đó số tiền phạt cũng tăng lên ở mỗi vi phạm. Chẳng hạn ở bậc ĐH, trước đây phạt Từ 30-50 triệu đồng hoặc đình chỉ tuyển sinh 12 tháng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên thì hiện nay mức phạt này là 70-100 triệu đồng. Ở bậc sau ĐH nếu tuyển vượt chỉ tiêu 20% thì phạt từ 60-80 triệu đồng thay vì 40-60 triệu đồng như trước đây…
Đối với việc liên kết đào tạo trình độ ĐH, Thông tư 07 năm 2017 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng quy định về liên kết đào tạo tại Thông tư số 08 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ ĐH. Theo đó, liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học và không thực hiện đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề. Một trong những điều kiện liên kết là chương trình đào tạo phải được tổ chức thực hiện tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy trong khi quy định cũ chỉ là 2 khoá.

Còn hàng loạt quy định giáo dục trước đó về chế độ cho vay ưu đãi để học ĐH, CĐ và dạy nghề, về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, các quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ ĐH… cũng đã được thay thế bằng các văn bản mới với những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
Ban TT&SV