CÂU LẠC BỘ CAO ĐẲNG Y- DƯỢC BÀN VỀ TỰ CHỦ

Ngày 03/05/2018

Ngày 24-4-2018, tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ khối trường Cao đẳng Y – Dược. ThS. Nguyễn Xuân Thủy , Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Phú Thọ – trường đăng cai Hội nghị lần đầu tiên, được bổ nhiệm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Cả nước có 35 trường Cao đẳng Y, Dược đã đăng ký vào CLB, tại Lễ ra mắt đã có 20 trường tới dự. Sau lễ công bố các quyết định thành lập Câu lạc bộ, kiện toàn tổ chức Chủ nhiệm và Ban Chủ nhiệm CLB (gồm 7 người) nhiệm kỳ 2018- 2020 là chương trình tọa đàm của CLB về vấn đề tự chủ trong các trường Cao đẳng Y Dược. Đây là vấn đề “nóng” trong thời gian hiện nay.

Tới dự và trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ,  PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội đã phát biểu giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm và Ban Chủ nhiệm CLB, trao đổi gợi mở phương hướng, phương pháp hoạt động của CLB các trường Cao đẳng Y Dược trong thời gian trước mắt. Đồng thời Phó Chủ tịch cũng thông tin cho các trường hội viên CLB biết về tình hình hoạt động chung của Hiệp hội, về kinh nghiệm hoạt động của một số CLB các trường đã thành lập và đang hoạt động trong thời gian qua.

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ mong muốn Câu lạc bộ sẽ tích cực, linh hoạt, sáng tạo để hoạt động tốt, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm quản lý, học thuật, chuyên môn nghề nghiệp, hợp tác quốc tế, giao lưu giáo viên, sinh viên, cũng như có ý kiến đóng góp để Hiệp hội có những hoạt động thiết thực hơn, thực sự là ngôi nhà chung của các trường hội viên cả nước.

Phần tọa đàm về tự chủ của các trường cao đẳng Y- Dược diễn ra rất sôi nổi, ngay từ đầu. Tuy lần đầu gặp và tọa đàm về vấn đề này, nhưng hội nghị nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, trao đổi, có cả ý kiến tranh luận về các vấn đề rất thiết thực. Như tự chủ về tài chính, về nhân lực, về học thuật, về tuyển sinh, về học phí … Hầu hết các trường đều lo lắng, chưa có bước đi rõ ràng, có trường thiếu tự tin, cho rằng chưa có hướng dẫn chung từ cấp trên. Có trường lo lắng, liệu đem bàn về tự chủ thì cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường có hiểu và ủng hộ không? Nếu phải tự chủ thì theo mô hình nào? Cơ chế vận hành trường phải thay đổi ra sao? Trình độ và năng lực cán bộ phải như thế nào? Lo nhất là làm sao đảm bảo tài chính cho nhà trường hoạt động? vv… Có rất nhiều việc cần làm rõ và bàn thấu đáo.

Rất may, tại thời điểm này đã có trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đi tiên phong trong lộ trình từ tự chủ từng phần đến tự chủ hoàn toàn. PGS.TS Nguyễn Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã chia sẻ khá nhiều bài học kinh nghiệm, vượt qua khó khăn, áp lực trong quá trình hơn 3 năm quyết tâm đổi mới để tiến tới tự chủ hoàn toàn.

Với Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, quá trình tự chủ có thuận lợi là lãnh đạo tỉnh đi tiên phong trong cải cách hành chính, dám nghĩ dám làm. Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích nhà trường đi vào tự chủ. Chẳng hạn, về tài chính, hàng năm tỉnh cấp cho trường 12 tỷ đồng. Nhưng từ 3 năm qua, kinh phí hỗ trợ tỉnh cắt dần, năm 2014 cắt 30%, năm 2015 cắt 50%, năm 2016 cắt 70 %, và năm 2018 cắt 100%. Buộc nhà trường phải có kế hoạch tiến tới tự chủ từng phần, đến năm 2018 thì trường đã vững vàng trong tư thế tự chủ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hạnh khẳng định, trường chúng tôi đã tự chủ thành công, chúng tôi đi đến các cơ quan tài chính của tỉnh không phải xin xỏ gì nữa, ngẩng cao đầu mà đi. Những kinh nghiệm tự chủ của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cần có dịp Câu lạc bộ và lãnh đạo các cấp về tận trường để tìm hiểu, học tập và rút ra những bài học cho mỗi trường. Dự kiến đầu tháng 8 năm 2018 CLB sẽ tiếp tục tọa đàm về tự chủ tại Quảng Ninh. Đây là một kế hoạch rất thiết thực của CLB Các trường Cao đẳng Y Dược.

Tại cuộc tọa đàm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Phú Thọ. Nhà trường có phòng khám, có bệnh viện, có bể bơi hiện đại. Đây cũng là một mô hình trường gắn với bệnh viện, đào tạo gắn với dịch vụ, tuy chưa tự chủ nhưng đang chuẩn bị và sẵn sàng chuyển sang tự chủ để hoạt động tự tin hơn, phát triển năng động hơn. Mô hình Trường Cao đẳng Y Phú Thọ rất đáng quan tâm và tổng kết ngay từ bây giờ để có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, khẳng định là mô hình tốt, hiệu quả và nhân rộng ra các địa phương.

ThS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo của truòng Y là khá tốn kém hơn các trường sư phạm. Phải mua sắm thiết bị, phải có nơi thực tập cho sinh viên. Khi tuyên bố chuyển sang tự chủ thì tỉnh cắt dần và sẽ cắt hết kinh phí hỗ trợ. Vậy lấy kinh phí đâu để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo? Rất may, năm 2017 tỉnh đã giao cho trường tiếp nhận 1 bệnh viện. Hiện nay nguồn thu của bệnh viện khoảng 100 tỷ đồng/ năm. Trường Cao đẳng Y Phú Thọ thu khoảng 60 tỷ đồng/ năm. Nếu chuyển sang tự chủ hoàn toàn thì nguồn thu cả hai khoản dự kiến tăng lên khoảng 200 tỷ đồng/ năm. Như vậy về tài chính là rất yên tâm, có thể tự chủ ngay được. Về chất lượng đào tạo, khi gắn nhà trường với bệnh viện tạo nên sức mạnh mới. Có thể điều cán bộ, giáo viên, nhân viên(nhàn rỗi) của nhà trường qua bên bệnh viện làm việc khi cần. Bệnh viện là nơi thực tập của sinh viên. Mỗi bác sỹ, y sỹ ở bệnh viện có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên thực tập, thường được giao kèm cặp hướng dẫn tay nghề cho 2-3 sinh viên. Do đó chất lượng đào tạo nâng lên rõ rệt, sinh viên ra trường tương đối thành thạo, vững tin tay nghề.

Hoạt động của Câu lạc bộ Các trường Cao đẳng Y – Dược khởi đầu rất sôi nổi, nội dung tọa đàm về tự chủ của khối các trường cao đẳng Y Dược đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt vấn đề, khẩn trương chỉ đạo cơ quan báo chí của Hiệp hội tiếp cận vấn đề “sốt nóng” vừa được khơi lên, tuyên truyền sâu rộng để sớm khẳng định những mô hình năng động sáng tạo của loại hình trường gắn với bệnh viện tại các địa phương./

Văn Đình Ưng