CÁC CÂU LẠC BỘ THUỘC HIỆP HỘI HỌP BÀN PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2018

Ngày 13/03/2018

Ngày 9/3, Lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức cuộc họp với các chủ nhiệm câu lạc bộ để bàn phương hướng hoạt động của các câu lạc bộ năm 2018.

 

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Namphát biểu khai mạc và chủ trì cuộc họp.Các phó chủ tịch hiệp hội TSKH. Phan Quang Trung, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, và thành viên Ban thường trực Hiệp hội cùng dự.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam báo cáo tổng quát về tình hình vận động thành lập các câu lạc bộ khối các trường có đặc thù riêng, khối các trường có chung ngành nghề đào tạo…. Khẳng định, đây là sáng kiến của Thường trực Hiệp hội, phù hợp điều kiện Hiệp hội chỉ được tổ chức một cấp ở trung ương, không có cấp trung gian. Sáng kiến này được các trường thành viên ủng hộ, đã có khoảng 200 hội viên/ tổng số hơn 400 trường hội viên tham gia các câu lạc bộ.Có trường thấy chưa cần thiết tham gia câu lạc bộ, nhưng cũng có trường thấy cần thiết và có thể tham gia vài ba câu lạc bộ, tùy tình hình và đặc thù đào tạo của mỗi trường.

 

Tỉnh đến nay (9/3/2018), Hiệp hội đã có quyết định thành lập 9 câu lạc bộ:

Có 4 câu lạc bộ đã được thành lập và đi vào hoạt động.

1.Câu lạc bộ khối trường đại học địa phương gồm 21 hội viên, PGS. Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ các trường đại học địa phương đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chiến lược phát triển trường đại học địa phương”, chia sẻ khó khăn, thuận lợi, về công tác tuyển sinh, về công tác tự chủ đại học để xác định đúng đắn chiến lược phát triển nhà trường trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.

 

  1. Câu lạc bộ khối trường cao đẳng sư phạm gồm 30 hội viên, Nhà giáo ưu tú Đặng Lộc Thọ – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm trung ương làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Công tác tuyển sinh năm 2018, mô hình trường cao đẳng sư phạm và những đề xuất khối cao đẳng sư phạm với Hiệp hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
  2. Câu lạc bộ khối trường mỹ thuật ứng dụng, gồm 18 hội viên, Phó giáo sư Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Kinh nghiệm tuyển sinh và đào tạo mỹ thuật ứng dụng”.
  3. Câu lạc bộ khối sư phạm kỹ thuật gồm 9 hội viên, Giáo sư Trần Trung – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên làm chủ nhiệm.Câu lạc bộ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đào tạo giáo viên sư phạm kỹ thuật trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Có 2 câu lạc bộ đã có quyết định thành lập nhưng chưa cử ban chủ nhiệm. 

Đó là câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập do Giáo sư Cao Văn Phường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Bình Dương làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Tuy nhiên đến naychưa bầu chọn được Ban Chủ nhiệm CLB.

Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng công thương đã công bố quyết định thành lập trong hội nghị các trường đại học, cao đẳng của Bộ Công thương tại Thành phố Cần Thơ cuối năm 2016, nhưng đến nay cũngchưa bầu chọn được Ban Chủnhiệm.

Có 3 câu lạc bộ đã có quyết định thành lập, có ban chủ nhiệm,  nhưng chưa tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ:

Một là, Câu lạc bộ khối trường cao đẳng Y Dược: Dự kiến 35 hội viên, Hiệp hội đã cử Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ làm Chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.Nhưng do việc chuyển quản lý nhà nước các trường cao đẳng về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên một số trường như Cao đẳng Y tế các tỉnh  Sơn La, Thái Nguyên, địa phương đang xây dựng đề án sáp nhập với cao đẳng sư phạm và Cao đẳng kinh tế – kỹ thuật… do vậy, chưa tổ chức Lễ công bố Quyết định và ra mắt câu lạc bộ.

Hai là, câu lạc bộ Khối Trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Nam Bộ: Dự kiến có 30 trường tham gia, Hiệp hội đã cử Phó giáo sư Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội làm chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ nhưng chưa Tổ chức Lễ Công bố Quyết định và ra mắt câu lạc bộ.

Ba là, câu lạc bộ Khối đào tạo điều dưỡng, dự kiến có 30 Hội viên, Hiệp hội đã cử Phó giáo sư Lê Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định làm Chủ nhiệm lâm thời.Câu lạc bộ sẽ tổ chức Lễ công bố quyết định và tọa đàm “Kinh nghiệm đào tạo Cử nhân Điều dưỡng” vào chiều ngày 15/3/2018.

Có 6câu lạc bộ dự kiến thành lập tiếp trong năm 2018:

1- Câu lạc bộ khối trường đào tạo ngành du lịch: Bao gồm các hội viên là các khoa, trường du lịch, các chuyên gia du lịch và dự kiến cử lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội làm Chủ nhiệm lâm thời.

2- Câu lạc bộ khối trường đào tạo may và thời trang: Bao gồm các trường, khoa đào tạo may thời trang và các chuyên gia về may và thời trang dự kiến cử lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội làm chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.

3- Câu lạc bộ khối trường đào tạo công nghệ thông tin: Bao gồm hội viên là các trường, viện, khoa đào tạo công nghệ thông tin và các chuyên gia công nghệ thông tin. Dự kiến cử lãnh đạo Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Thái Nguyên làm Chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.

4- Câu lạc bộ khối trường đào tạo tài chính, kế toán: Bao gồm các trường, khoa và các chuyên gia lĩnh vực tài chính, kế toán. Dự kiến cử lãnh đạo Học viện Tài chính làm Chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.

5- Câu lạc bộ khối trường có đào tạo xét nghiệm: Bao gồm các trường, khoa, trung tâm và các chuyên gia xét nghiệm. Hiệp hội đã có quyết định cử Phó giáo sư Vũ Quang Huy – trưởng bộ môn xét nghiệm (Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.

6- Câu lạc bộ khối đào tạo nghề: Bao gồm các trường, trung tâm dạy nghề và các chuyên gia nghề. Dự kiến cử lãnh đạo Trường Dạy nghề Thanh Xuân làm chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ.

Như vậy, trong năm nay Hiệp hội phát triển mới thêm 6 câu lạc bộ, đưa tổng số lên thành 15 câu lạc bộ vào cuối năm 2018. Nếu điều kiện thuận lợi thì có thể thành lập thêm một số câu lạc bộ khác như: khối kiến trúc, ngoại ngữ…

Kết luận cuộc họp là những chỉ đạo thiết thực.

Tại cuộc họp, chủ nhiệm các câu lạc bộ đều phát biểu ý kiến góp ý nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động của câu lạc bộ trong năm tới. Nhiều ý kiến thảo luận và đề xuất hình thức, phương hướng, giải pháp hoạt động cụ thể cho các câu lạc bộ. Phương châm là tự nguyện, hiệu quả, tạo môi trường trao đổi kinh nghiệm và học thuật, tạo không khí tự do tư duy phát huy sáng tạo.

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội kết luận cuộc họp, nêu rõ: Giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng đang đổi mới căn bản và toàn diện, có nhiều vấn đề đang gây nên bức xúc, cần tháo gỡ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống và thúc đẩy phát triển chung của đất nước, không loại trừ lĩnh vực náo. Nếu giáo dục không đổi mới mạnh mẽ và tận dụng cơ hội này để bứt phá lên thì không còn cơ hội khác, sẽ tụt lùi rất xa.

Để các câu lạc bộ hoạt động tốt, hiệu quả và thiết thực hơn thì tổ chức câu lạc bộ nên thế nào?có nên mở rộng kết nạp thêm hội viên là các đơn vị, cá nhân ngoài thành viên Hiệp hội? Pháp nhân câu lạc bộ như thế nào cho thuận lợi sinh hoạt, có cần con dấu riêng không? Vấn đề đóng góp quỹ cho câu lạc bộ hoạt động theo phương thức nào? Chủ tịch Hiệp hội nêu, các vấn đề này đề nghị chủ nhiệm câu lạc bộ phải cùng Ban Tổ chức Hiệp hội suy nghĩ đề xuất.

Về hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ của câu lạc bộ chúng ta nên quan tâm vấn đề gì?Hiệp hội lâu nay chủ yếu lo các vấn đề vĩ mô. Các vấn đề vi mô, vấn đề cụ thể Hiệp hội chưa có điều kiện lo được, nay giao cho các câu lạc bộ bàn thảo, nghiên cứu và đề xuất. Hiệp hội sẽ thay mặt các câu lạc bộ phản ánh và kiến nghị các vấn đề do câu lạc bộ đề xuất.

Các vấn đề trước mắt mà các câu lạc bộ cần bàn là: Tự chủ đại học, không tự chủ là gay go, nhất là tự chủ đối với các trường cao đẳng, các trường đại học địa phương; Các trường cao đẳng sư phạm đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục đại học? trong hệ thống các trường sư phạm? ; Vấn đề tuyển sinh của các trường trong từng khối ra sao? Có kết hợp hỗ trợ nhau được gì?; Hợp tác quốc tế nên thế nào? Hiệp hội hỗ trợ những gì để đẩy mạnh hợp tác quốc tế của các trường? ; Vấn đề làm thế nào để chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu, nguồn tri thức và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trong từng khối các trường của câu lạc bộ?Và còn nhiều vấn đề cụ thể khác mà các câu lạc bộ cần bàn thảo, kiến nghị và cùng nhau tìm giải pháp thực hiện.Từng câu lạc bộ, từng ban chuyên môn của Hiệp hội phải đi vào các vấn đề cụ thế này để bàn, để chung tay giải quyết.

Cuộc họp sôi nổi và đem lại tinh thần quyết tâm đổi mới hoạt động của Hiệp hội nói chung, câu lạc bộ nói riêng. Hy vọng năm 2018 đem lại thành công mới trong phương thức hoạt động của Hiệp hội và các câu lạc bộ khối các trường./

Văn Đình Ưng