Thông báo cáo chí về Hội thảo: Tự chủ Đạ học – Cơ hội và thách thức

Ngày 07/03/2017

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Về hội thảo:

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC – CƠ HỘI và THÁCH THỨC

(Do Hiệp hội các trường đại học cao dẳng Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát  triển nhân lựcđồng tổ chức, ngày 30/9/2016 tại Hà Nội)

Tự chủ đại học là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm.Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu năm 2016, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chủ động chuẩn bị kế hoạch, mời các chuyên gia, các trường hội viên nghiên cứu, tổng kết thực tiễn…gửi báo cáo tham luận về Ban tổ chức hội thảo. Hội thảo đã nhận được 50 báo cáo tham luận. Các tham luận được biên tập và xuất bản thành sách, do Nhà Xuất bản Thông tin – Truyền thông(Bộ Thông tin-Truyền thông) ấn hànhtrong tháng 9 năm 2016 để phục vụ hội thảo. Cuốn sách có tựa đề: “TỰ CHỦ ĐẠI HỌC và TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”

Sau khi chuẩn bị khá chu đáo, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam đãphối hợp cùng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đồng tổ chức hội thảo, chủ đề : “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” . Hội thảo tổ chức một ngày(ngày 30/9/2016) tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, do trường đăng cai- một trường đã có những thành công ban đầu trong quá trình chuyển mạnh sang tự chủ để phát triển.

hoithao01

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Chủ trì hội thảo: GS.TS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam; TS. Đặng Xuân Hoan- Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; TSKH.Phan Quang Trung- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội và PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Tham gia hội thảo có: hơn 300 đại biểu đến từ các Đại học, Trường Đại học, Cao đẳng, Viện, Học viện trên cả nước; Đại biểu khách mời có các vị khách Quốc tế và các Bộ, Ban, ngành liên quan, cùng các chuyên gia đầu ngành về các vấn đề liên quan tự chủ đại học. Hội thảo có sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, các nhà báo kỳ cựu nhiều năm gắn bó với giáo dục đào tạo đã nhiệt tình đến tham dự và đưa tin, viết bài về vấn đề tự chủ đại học.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội phát biểu đề dẫn và cũng là người kết luận Hội thảo.

Hội thảo diễn ra sôi nổi, dân chủ, khách quan và có sự đồng thuận cao về các vấn đề tự chủ đại học, cho rằng: Tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Trong cải cách giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình,  phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Tự chủ đại học thường được thể hiện chủ yếu trên 3 nhóm nội dung lớn như sau: (1) Học thuật; (2) Tổ chức – Nhân sự; (3) Tài chính.Tuy nhiên, trong việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, có một số vấn đề cần thống nhất về nhận thức:

Một là, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Trên thế giới có tồn tại một “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường đại học có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường đại học nghiên cứu; còn các trường theo hướng nghề nghiệp – ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát khá lớn từ phía Nhà nước, đặc biệt về mặt học thuật.

Hai là,Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây, trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa suông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng.

Ba là, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Thành phần của Hội đồng trường phụ thuộc loại hình sở hữu của trường.

Bốn là, phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hữu hiệu.

Năm là, trao quyền tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương.

Tóm lại, Tự chủ đại học ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm trước, nhưng tiến triển rất chậm.Hiện nay vấn đề tự chủ đại học được cho là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.Sau Hội thảo này, Hiệp hội và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả hội thảo, đồng thời có kiến nghị một số vấn đề về chính sách và giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội, hội nhập quốc tế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam./

                                                                                                                Ban TT-TT