Điểm học bạ chỉ là một điều kiện , để đảm bảo tuyển được những thí sinh chất lượng.

Ngày 02/08/2021

Biểu đồ so sánh điểm trung bình học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. ( Ảnh Báo Lao động)

Đây là năm thứ hai Bộ GDĐT thực hiện việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ và coi đây làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng, điều chỉnh việc dạy và học, cũng là cách để “siết” việc làm đẹp điểm học bạ, chạy theo thành tích của các trường phổ thông.

Từ kết quả đối sánh mà Bộ GDĐT vừa công bố, ở hầu hết các môn, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT đều thấp hơn điểm học bạ – trừ Giáo dục công dân. Đặc biệt, Lịch sử chính là môn có điểm chênh lệch lớn nhất – điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước môn Lịch sử là 4,971, trong khi đó điểm trung bình học bạ là 7,659 (chênh 2,689).

Một số môn khác như Sinh học, tiếng Anh cũng có độ chênh lệch cao, theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế.

Cả nước đang có trên 100 trường đại học cả công lập và dân lập sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và có xu hướng dành chỉ tiêu cho phương thức này nhiều hơn so với năm 2020. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%. Trong đó, xét tuyển bằng điểm học bạ khoảng 35%. Điểm thi thực tế không cao, nhưng chỉ cần có điểm học bạ cao, học sinh cũng có cơ hội vào đại học.

Điều khiến nhiều người lo ngại nhất là sự không công bằng trong tuyển sinh, khi không loại trừ có những nơi, giáo viên “rộng tay” với học sinh để tăng cơ hội đỗ đại học cho học sinh của mình.

Trường đại học tìm giải pháp để “siết” chất lượng

Đánh giá về mức độ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ, PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho rằng, cùng một thang điểm 10 nhưng các tiêu chí đánh giá riêng biệt, nên sự chênh lệch này là điều dễ hiểu. PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho rằng, kết quả so sánh là một chỉ số để tham khảo, chứ chưa thể đánh giá địa phương này dạy tốt, địa phương khác dạy chưa tốt, hay giáo viên ở tỉnh này “nặng tay”, hoặc “nhẹ tay” khi cho điểm, đánh giá học sinh.

Về những lo ngại chất lượng đầu vào đại học khi xét tuyển bằng điểm học bạ, trao đổi với Lao Động, nhiều trường đại học cho biết, đã có nhiều giải pháp để tuyển được những thí sinh chất lượng, đặc biệt ở trường top đầu.

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, trường chỉ xét tuyển điểm học bạ dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, hoặc đoạt giải ở các cuộc thi kiến thức từ cấp tỉnh/thành phố trở lên, hay học ở các trường chuyên. Hoặc xét điểm học bạ nhưng kèm theo phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Tương tự, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường có nhiều phương thức xét tuyển kết hợp, trong đó điểm học bạ chỉ là một điều kiện , để đảm bảo tuyển được những thí sinh chất lượng.

Tại các trường đại học lớn khác như: Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, ngoài việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, bài kiểm tra tư duy để làm căn cứ tuyển sinh, các trường này vẫn cũng dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường top đầu nói không với việc xét tuyển bằng điểm học bạ.

TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính – cũng cho biết, tại nhiều trường đại học lớn, kết quả xét tuyển bằng học bạ thường kèm theo các điều kiện khác như chứng chỉ IELTS, hoặc các giải thưởng tại cuộc thi học sinh giỏi.

Vì vậy, không cần quá lo lắng về chất lượng đầu vào đai học, vì các trường sẽ tự tìm cách để “siết” chất lượng, để giữ thương hiệu cho mình.

“Riêng tại Học viện Tài chính, qua kiểm nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy chất lượng tuyển sinh đầu vào bằng học bạ tương đối ổn. Như vậy, điểm học bạ cũng phần nào phản ánh đúng năng lực học sinh, tất nhiên sẽ không tương đồng ở các khu vực”- TS Nguyễn Đào Tùng nhận định.
Ban TT&SV ( Tổng hợp)