Phân biệt “Đại học” và “Trường đại học”: Danh chính thì ngôn mới thuận

Ngày 13/12/2022

LTS – Việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được cho phép chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội đã dấy lên một số thắc mắc về nội hàm ý nghĩa của từ “Đại học” và “Trường đại học” có gì khác nhau. Đồng thời, trước khi có quyết định chuyển đổi thì trường này cũng đã sử dụng bảng tên là Đại học Bách khoa Hà Nội

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được cho phép chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được cho phép chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, lâu nay nhiều “Trường đại học” nhưng ghi ngoài bảng hiệu đặt ở cổng trường là “Đại học” nhìn lâu rồi thành quen. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc chuyển từ “Trường đại học” lên thành “Đại học” không đơn giản là việc đổi tên gọi mà bản chất là trường này chính thức thay đổi mô hình quản trị…

Khởi nguồn của từ “Đại học” ra đời vào thập niên 1990

Trong quá trình phát triển của đại học, để tăng cường sức mạnh, tính độc lập, sáng tạo, đột phá của giáo dục đại học, năm 1996 hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM ra đời. Mỗi đại học này là sự ghép lại của nhiều trường đại học như: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn và một số trường thành viên khác. Từ đó trong giấy tờ có sự phân biệt giữa “Đại học” là từ chỉ cơ sở có quy mô lớn, tập hợp nhiều “Trường đại học” với “Trường đại học” là các trường thành viên của “Đại học” hoặc các trường đại học độc lập trực thuộc bộ. Ít năm sau có ba trường đại học vùng ra đời: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.

Một biển hiệu của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhưng ghi là Đại học Công nghệ TP.HCM.
Một biển hiệu của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhưng ghi là Đại học Công nghệ TP.HCM.

Từ “Đại học” hay “Trường Đại học” chỉ là sự phân biệt của tiếng Việt, chứ tiếng Anh đều là University. Mô hình “Đại học” này học theo mô hình Hoa Kỳ, châu Âu vì ở đó có nhiều University thuộc một University lớn hơn. Đơn cử như University of California người ta thường dịch là “Hệ thống đại học” hay “Viện đại học” vì ở dưới có nhiều trường thành viên như: UC Berkeley, UC Merced, UC San Francisco…

Dù học theo mô hình Hệ thống/ Viện đại học nhưng tiếng Việt không dùng sự phân biệt “Hệ thống/ Viện đại học” với “Trường đại học” mà dùng “Đại học” với “Trường đại học” để phân biệt. Sự phân biệt “Đại học” (lớn) với “Trường đại học” (nhỏ) là sự phân biệt giả tạo (cách nói của ngôn ngữ học) có tính duy ý chí, cưỡng bức, vì không có truyền thống trong tiếng Việt, có thể coi nó như một trường hợp dùng từ sai hay lỗi tiếng Việt. Vì sao? Thông thường từ “Đại học” có 2 nghĩa:

  • Thứ nhất là cấp học: Tiểu học, Trung học, Đại học…
  • Thứ hai: Cơ sở giáo dục dạy học, tức là trường đại học được nói gọn lại. Ví dụ: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giống như ĐH Bách Khoa Hà Nội, tương tự: Trường ĐH Khoa học Huế – ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Cần Thơ – ĐH Cần Thơ.

Không ai phân biệt “Đại học” với “Trường đại học”. Cho đến tận hôm nay, sau gần 30 năm xã hội vẫn còn rất nhiều người không biết có sự phân biệt đó.

Do đó, chuyện “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” bỗng chốc có quyết định trở thành “Đại học Bách khoa Hà Nội”, đã đẩy sự bất cập trong phân biệt “Trường Đại học” với “Đại học” lên đỉnh điểm, khiến dư luận đưa ra nhiều thắc mắc.

Một bảng hiệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng ghi là Đại học Tôn Đức Thắng.

Từ đó nhiều ý kiến đề cập đến những “lỗi dùng từ” như “Bộ Giáo dục và Đào tạo” thì thừa chữ “và Đào tạo”, vì Giáo dục nào mà không đào tạo hay đào tạo nào mà không qua giáo dục? Ít ai biết cái đuôi ấy là dấu tích của việc ghép Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp vào, vì dẫu ghép vào nó vẫn không muốn bị mất dấu hẳn!

“Đại học” cần phải thay đổi để làm gương cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Sự đối lập giả tạo giữa “Đại học” (lớn) và “Trường Đại học” (nhỏ) cần phải chấm dứt. Nhưng phân biệt bằng cách nào? Phó Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Hồng Cổn có đề nghị phân biệt Đại học (lớn) với Học viện (nhỏ, chuyên ngành). Như vậy thì hàng loạt các trường phải đổi tên: “Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn” thành: “Học viện Khoa học xã hội và Nhân văn”, tương tự: Học viện Khoa học tự nhiên, Học viện Y Khoa, Học viện Luật… Đây là điều tối kỵ vì danh tiếng của các đại học là rất quan trọng, không thể bỗng chốc mất đi được.

Một bảng hiệu của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM nhưng ghi là Đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM.
Một bảng hiệu của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM nhưng ghi là Đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM.

Theo tôi, nên dùng từ VIỆN ĐẠI HỌC thay cho ĐẠI HỌC, còn các “trường đại học” hay các “đại học” không còn phân biệt nữa. “Viện Đại học” ra đời khi thành lập Viện Đại học Đông Dương năm 1906, sau đó được dùng rộng rãi trong hệ thống giáo dục đại học miền Nam từ 1954 đến 1975. Ví dụ:

  • Viện Đại học Sài Gòn có nhiều phân khoa, hay cũng gọi là trường đại học như: Khoa học Đại học đường, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn… Các phân khoa/ trường thành viên có đây đủ quyền như một trường đại học.
  • Viện Đại học Huế có nhiều phân khoa, tức là các trường đại học, như: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y Khoa, Trường Đại học Luật khoa…

Nếu thay đổi như thế, chúng ta sẽ trả từ “Đại học”, “Trường đại học” đúng nghĩa của nó là một cấp học hay/ và một cơ sở đào tạo đại học. Trường Đại học Y khoa hay Đại học Y khoa, Trường Đại học Bách Khoa và Đại học Bách khoa…là như nhau. Như vậy chỉ có mấy Đại học mới ra đời cần phải đổi tên thôi như: Đại học Quốc gia Hà Nội thành Viện Đại học Quốc gia Hà Nội, tương tự: Viện Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Nẵng… Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có muốn thành Viện Đại học Bách khoa Hà Nội hay không thì tùy. Như thế sẽ không còn chuyện khôi hài: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội nữa.

Một bảng hiệu của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhưng ghi là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Bộ Giáo dục nên đi trước trong việc chuẩn hóa chữ nghĩa. Danh chính thì ngôn thuận. Tên gọi không chỉ là danh từ mà còn phản ánh tư duy. Việc thay đổi cũng là bình thường trong quá trình phát triển. Việc học các từ có sẵn hợp lý trong tiếng Việt dù thời Pháp thuộc hay miền Nam trước 1975 cũng là bình thường, vì dù ở thời nào thì cũng là tiếng Việt, từ nào đúng, hay thì học, từ nào dùng sai thì bỏ. Đơn cử “trường cấp I, II, III” như cách nói của miền Bắc trước 1975 đã thành “trường tiểu học, trung học” (cơ sở, phổ thông) như cách nói thời Pháp thuộc hay miền Nam trước 1975.

Việc thay đổi ấy sẽ khiến cho danh từ có tính hệ thống, tránh nhầm lẫn, tránh được một trường hợp tạo từ sai, và đó là cách nêu gương bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Đề nghị tiếp theo: Từ đây trở đi việc tạo ra các từ mới phải có một hội đồng chuyên môn quyết định và phải hỏi ý kiến dư luận rộng rãi nếu chuyện ấy liên quan đến nhiều người, chứ không thể là ý kiến bất chợt của một vài vị quản lý hành chính nào đó dù có bằng cấp nhưng không có trình độ tiếng Việt tốt được. Quốc hội chỉ thông qua về mặt chủ trương, còn chọn danh từ nào thì phải do hội đồng ấy quyết định. Đó cũng là cách khiến cho các cơ quan công quyền không bị xã hội đàm tiếu, giữ được sự tôn nghiêm và tôn trọng của xã hội.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang (nguyên Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM)