Địa phương nào dẫn đầu chất lượng giáo dục?

Ngày 09/08/2021

Thí sinh tỉnh Bình Dương tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đây là tỉnh có điểm chênh lệch thấp nhất cả nước, tăng từ hạng 8 năm 2017 lên hạng 1 năm 2021 (Ảnh Đỗ Trường)

Qua kết quả đối sánh điểm thi, điểm học bạ THPT hằng năm, các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục đã có những phân tích, đánh giá với nhiều khía cạnh khác nhau về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, cần có sự đối sánh giai đoạn 5 năm (2017 – 2021) để biết được quá trình tiến triển chất lượng giáo dục của từng địa phương, qua đó phân nhóm giúp biết được vị trí của mình để không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục.
Dựa vào kết quả xếp hạng hằng năm theo tiêu chí: điểm trung bình tốt nghiệp của các địa phương xếp từ cao đến thấp trong giai đoạn 2017 – 2021, chúng tôi thực hiện tính trung bình thứ hạng cho từng địa phương và sắp xếp từ nhỏ đến lớn.
Từ kết quả này có thể phân chia các tỉnh, TP thành 3 nhóm: nhóm 20 địa phương đầu có chất lượng tốt và ổn định; nhóm 23 địa phương có chất lượng thấp hơn, thứ hạng trồi sụt; nhóm 20 địa phương cuối, chất lượng giáo dục đại trà còn thấp.

20 tỉnh, TP có chất lượng giáo dục phổ thông tốt

Nhóm đầu tiên gồm 20 tỉnh, TP có chất lượng giáo dục phổ thông tốt, ổn định. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có 7 địa phương: Nam Định (xếp hạng 1), Ninh Bình (2), Hà Nam (3), Vĩnh Phúc (6), Hải Phòng (9), Thái Bình (14), Hải Dương (16); vùng ĐBSCL có 7 địa phương: An Giang (5), Bạc Liêu (8), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (13), Tiền Giang (17), Bến Tre (18), Đồng Tháp (19); vùng Đông Nam bộ 3 địa phương: Bình Dương (4), TP.HCM (7), Bà Rịa-Vũng Tàu (20); Tây nguyên có Lâm Đồng (10); miền núi phía bắc có Phú Thọ (11); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có Bình Thuận(15).
Trong nhóm này, các địa phương luôn giữ vững thứ hạng cao như Nam Định có 3 năm xếp hạng 1, hai năm hạng 2. Bình Dương có sự tiến bộ vượt bậc khi năm 2017 xếp hạng 8, năm 2021 hạng 1. Vĩnh Long từ hạng 12 năm 2017 nâng lên hạng 8 năm 2021. Tuy nhiên, cũng có tỉnh tụt hạng như Bình Thuận năm 2017 xếp hạng 11, năm 2021 hạng 20.
TP.HCM đứng thứ 7 về chất lượng giáo dục trong 5 năm qua

23 địa phương có chất lượng trồi sụt

Nhóm thứ hai gồm 23 tỉnh, TP có chất lượng tốt nghiệp THPT thấp hơn. Trong đó, vùng miền núi phía bắc có 3 địa phương: Bắc Giang (21), Lào Cai (24), Tuyên Quang (39); đồng bằng sông Hồng có 3 địa phương: Bắc Ninh (22), Hà Nội (23), Hưng Yên (33); vùng ĐBSCL có 6 địa phương: Long An (25), Cà Mau (32), Sóc Trăng (36), Trà Vinh (40), Kiên Giang (42), Hậu Giang (43); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 7 địa phương: Nghệ An (37), Hà Tĩnh (28), Thừa Thiên-Huế (29), Bình Định (34), Khánh Hòa (35), Đà Nẵng (38), Quảng Trị (41); Đông Nam bộ có 3 địa phương: Tây Ninh (26), Bình Phước (27), Đồng Nai (30). Tây nguyên có 1 địa phương: Kon Tum (31).
Ở nhóm này năm 2021 có một số địa phương tăng hạng vượt bậc so với 2018, như Bình Định từ hạng 45 lên 30, Hà Tĩnh từ 25 lên 17, Thừa Thiên-Huế từ 33 lên 18 và Nghệ An từ 42 lên 36.
Bên cạnh đó, cũng có địa phương tụt hạng khá mạnh so với năm 2018 như: Trà Vinh từ hạng 34 tụt xuống hạng 53, Quảng Trị từ 38 xuống 56, Kon Tum từ 23 xuống 40.
Đáng chú ý, Hà Nội và Đà Nẵng là 2 TP trực thuộc T.Ư nhưng chất lượng giáo dục đại trà chưa cao, Hà Nội có xếp hạng hằng năm từ 23 – 26 (năm 2021 xếp hạng 25, tụt 2 bậc so với 2020), còn Đà Nẵng dao động từ 33 – 43.
( theo Thanh niên)
Ban TT&SV