Tọa đàm khoa học: Giải pháp để phát triển tự chủ đại học

Ngày 17/01/2022

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân phát biểu, ảnh: HT.

Ngày 16/1/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Sao Việt thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học: Giải pháp để phát triển tự chủ đại học.

Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện hành nhằm thúc đẩy tự chủ đại học đi vào thực tiễn như mục tiêu các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học đã đặt ra.

Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, áp lực đè nặng lên các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là tự chủ tài chính, Giáo sư mong các đại biểu dự Tọa đàm hãy đưa ra những kiến nghị cụ thể từng điều một để tự chủ đi vào thực chất. Thí dụ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã quy định rất rõ ràng về tự chủ thu, tự chủ chi, nên thực tế không bị ràng buộc bởi các quy định tại Luật Đầu tư công.

Hiện tại các trường không thể trông chờ quá nhiều vào đầu tư từ Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, giải pháp khả thi nhất để thúc đẩy tự chủ đại học là làm sao để các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ trong thu và chi. Ngoài lương chính thức của nhà giáo các trường công lập, các trường hoàn toàn có thể xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để chi phần chênh lệch thu chi nhằm nâng cao đời sống đội ngũ nhà giáo.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: điểm mấu chốt nằm ở cơ chế xin cho vẫn tồn tại, đa số các trường được thí điểm tự chủ vẫn vướng mắc ở cơ quan chủ quản, khi Hội đồng trường ra nghị quyết bỏ phiếu thông qua, vẫn bị cơ quan chủ quản bác, ảnh hưởng đến hàng ngàn cán bộ giảng viên, sinh viên vì không có Hiệu trưởng.

Tọa đàm khoa học: Giải pháp để phát triển tự chủ đại học, ảnh: HT.

Đồng chủ trì cuộc Tọa đàm có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông.

Cuộc tọa đàm có sự hiện diện và tham dự trực tiếp của 17 giáo sư, phó giáo sư, viện sĩ; 15 tiến sĩ, thạc sĩ. Đồng thời, tham dự trực tuyến có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, một trong những nhà tư vấn chính sách vĩ mô hàng đầu của Việt Nam, đặt vấn đề tại Tọa đàm: Chúng ta bàn chuyện này đến bao giờ? Theo ông, tự chủ quan trọng như thế nào đối với trường đại học chúng ta không cần bàn nữa, cải cách là phải vượt qua các khuôn khổ của những điều luật hiện hành để giúp các trường đại học bứt phá, phát triển.

Tự chủ đại học cần phải được hiểu là một cuộc cải cách giáo dục đào tạo chứ không phải chỉ thay đổi một vài quy định, một vài cách làm cho trường nọ trường kia. Bây giờ không thể làm theo cách xin – cho.

Thực tiễn đã đặt ra những vấn đề đối với các trường được thí điểm tự chủ đại học thời gian vừa qua, tự chủ rất thành công nhưng người đứng đầu lại bị kỷ luật, đây là câu chuyện về xung đột lợi ích cần phải giải quyết, cần phải xem đó là thời cơ để thay đổi và phát triển, loại bỏ các rào cản, các giấy phép con đối với cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Tự chủ đại học đã được đặt ra mười mấy năm nay, nhưng vẫn cứ phải bàn, rất sốt ruột, tiến triển rất chậm, rất nhiều vướng mắc.

Theo ông, hiện vẫn còn nhầm lẫn giữa việc Nhà nước trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ với việc phân quyền quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhầm lẫn giữa tự chủ với tự túc tài chính.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu, ảnh: HT.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, không thể hiểu tự chủ đại học là tự túc tài chính, đề nghị không cắt đầu tư cho các trường tự chủ, ngược lại cần tăng cường đầu tư phát triển cho các cơ sở tự chủ thành công để giúp cơ sở giáo dục đại học đó phát triển, trở thành một trường trọng điểm quốc gia.

Ông nêu thí dụ như Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã đạt được rất nhiều thành tích được các tổ chức xếp hạng quốc tế công nhận. Tuy nhiên ông chưa thấy có sự đầu tư nào để giúp Trường phát triển thành một trường đại học trọng điểm quốc gia, trong khi người đứng đầu chèo lái con thuyền Nhà trường làm nên kỳ tích này lại bị kỷ luật.

Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học công lập, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản đã được đặt ra từ năm 2005 tại Nghị quyết số

14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

Muốn các trường đại học tự chủ thực chất thì không được để cơ quan chủ quản tiếp tục tồn tại dưới danh nghĩa mập mờ như “cơ quan quản lý trực tiếp”. Bỏ cơ quan chủ quản không hề làm giảm vai trò quản lý nhà nước, mà là xóa bỏ một hình thức “giấy phép con”.

Đồng thời, khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, Nhà nước phải trao quyền tự chủ cho một tập thể có vai trò, quyền lực cao nhất trong trường, chính là Hội đồng trường, không trao quyền cho cá nhân.

Khi xây dựng Luật 34/2018/QH14, các nhà làm luật quá quan tâm đến tự chủ đại học nên thiết kế các điều luật dành cho các trường tự chủ mà không tính đến thực tế mới chỉ có 23 trường đại học đang thí điểm tự chủ theo đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong khi phần lớn các trường đại học công lập còn lại chưa tự chủ.

Chính điều này đã và đang tạo ra nhiều tình huống trớ trêu, vì các quy định dành cho trường công lập chưa tự chủ bị Luật 34/2018/QH14 xóa bỏ, sẽ hoạt động theo cơ chế nào? Với 23 trường đang thí điểm tự chủ cần có hệ thống văn bản pháp lý nhất quán bảo vệ cho các trường tự chủ, cần có một nghị định riêng dành cho các trường đã và đang thí điểm tự chủ theo nghị quyết của Chính phủ và đề án thí điểm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xây dựng một bộ khung quy tắc ứng xử, làm việc giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Hồng Thuỷ

Ban TT&SV