3 Kỳ vọng năm 2021
Nhìn vào con số 23 trường thí điểm thực hiện tự chủ đại học, tại tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần mạnh dạn cho thí điểm tự chủ đại học cả về nội dung và tăng cường số lượng các trường được tự chủ.
Tôi mong, nước ta sẽ có một bước tiến bộ đáng khích lệ về khoa học giáo dục. Trong đó có vấn đề phát triển chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng.
“Đã tự chủ mà thí điểm – tức là làm thử, vượt ngoài một số danh giới luật pháp cho phép chứ làm những thứ trong quy định thì không ai gọi là thí điểm. Do đó cần phải có quy định chung cho phép làm thử ví như có Nghị định riêng chứ nếu thí điểm trong quy định thì coi như không có thí điểm”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Bởi lẽ theo thầy Quân đánh giá, việc cho thực hiện tự chủ là chủ trương lớn nhất trong chủ trương giáo dục đại học lâu nay, chỉ có như vậy các trường mới tạo ra động lực tự thân và mạnh dạn sáng tạo. Ở đó, người ta giải quyết những gì hiệu quả nhất kể cả sử dụng cơ sở vật chất, tài chính, sử dụng lao động của họ. Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, cũng không có nghĩa nhà nước sẽ không đầu tư, nhà nước buông lỏng không quản lý.
Do đó, “nếu chúng ta tự chủ tốt thì từ 23 trường trở thành đại bộ phận các trường trong hệ thống, lúc đó tôi nghĩ rằng nền đại học sẽ có sinh khí mới, năng động hơn, toàn bộ bộ mặt của giáo dục đại học sẽ khác, không phải như bây giờ”, thầy Quân kỳ vọng.
Bây giờ chúng ta sốt ruột với tự chủ vì tự chủ sẽ tạo ra sinh khí mới khi đó sẽ đáp ứng yêu cầu góp phần quan trọng cho đất nước sớm trở thành cường thịnh trên các mặt, trong đó chủ yếu là xây dựng được đội ngũ lao động thực sự có chất lượng, giúp góp phần xây dựng sức mạnh trí tuệ đất nước, đặc biệt trong thời đại này thì vấn đề trí tuệ là cốt lõi, mạnh hơn nhiều các lợi thế khác. Bản thân tự chủ là giải pháp tăng tốc của giáo dục đại học”, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định.
Giáo sư Trần Hồng Quân cũng đề nghị cấp trên tổng kết thí điểm tự chủ đại học để từ đó rút ra cái gì được, cái gì chưa được để điều chỉnh chủ trương chính sách và xác lập những mô hình tiên tiến có thể như là tấm gương để các trường khác noi theo.
Chúng ta rút kinh nghiệm ở đó, và phổ biến kinh nghiệm của họ trong đó có khá nhiều trường như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh…
Đồng thời, Chính phủ nên có quy định cụ thể nhằm giải quyết những vướng mắc cụ thể thí dụ vấn đề Hội đồng trường.
“Tôi rất hoan nghênh vừa rồi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có tọa đàm “Chức năng chủ tịch hội đồng trường đại học, học viện” với các chủ tịch hội đồng trường. Những thông tin đó rất bổ ích, cần tiếp tục phát huy”, thầy Quân cho biết.
Ngoài ra, dù Nghị quyết 19 có hướng dẫn là Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường tuy nhiên theo Giáo sư Trần Hồng Quân thì cần có hướng dẫn sâu thêm vì khi bầu Bí thư đảng ủy là theo một yêu cầu khác, bầu Chủ tịch Hội đồng trường theo một yêu cầu khác.
“Một con người có đồng thời thỏa mãn 2 yêu cầu đó hay không là chuyện lớn do đó cần có văn bản hướng dẫn quy định hoạt động của tổ chức đảng trong các trường tự chủ cho hợp lý. Đặc biệt, mối quan hệ giữa đảng ủy và hội đồng trường như thế nào cần phải quy định rõ”, Giáo sư Quân nêu vấn đề.
Cũng theo thầy Trần Hồng Quân, chúng ta cần khuyến khích hình thành các tập đoàn giáo dục lớn, dù bây giờ đã manh nha một số tập đoàn, bởi điều này giúp tạo ra những tổ chức giáo dục – đào tạo mạnh khi các thành viên nhau trong các tập đoàn đó hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời cũng cần khuyến khích hình thành đô thị đại học và khoa học, mặc dù hiện nay nhiều tỉnh đã có quy hoạch nhưng không ít thất bại vì chưa được sự ủng hộ chung.
Đặc biệt, chúng ta kiên trì, khuyến khích thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục, tiếp tục ủng hộ các trường tư, các trường ngoài công lập giúp đỡ họ phát triển thông qua một số chủ trương cụ thể, như miễn thuế đất đai, miễn phí nhưng họ cũng cần minh bạch tài chính, để tránh tình trạng lợi nhuận tối đa và hợp lý việc đầu tư để phát triển giáo dục, thừa nhận quyền lợi của họ ở mức độ nhất định.
Riêng đối với các trường công lập tự chủ thì chúng ta cho phép, khuyến khích họ thu hút ngoài ngân sách nhà nước, kể cả trong nước và nước ngoài. Khả năng nguồn lực để đổi mới trang thiết bị để đảm bảo chất lượng, trong đó sẽ sản sinh nhiều vấn đề mới, khi đó trường đó không thuần túy là trường công nữa mà sẽ nảy sinh ra một số vấn đề quản lý mới nhưng tôi cho rằng, đó không phải là cái chúng ta không làm được.
Giáo sư Trần Hồng Quân thừa nhận quản lý nhà nước về giáo dục đang có nhiều ràng buộc không cần thiết.
“Tôi xin nói thêm, quản lý nhà nước cốt là để phát triển chứ không phải cốt là lặp một cách trật tự, lặp một cách trật tự là cần thiết nhưng không phải là mục đích quản lý.
Ban Truyền thông – Sinh viên