Vận dụng mô hình quản trị Đại học Hội đồng trường còn thấy “ muôn hương dậy trái mùa”

Ngày 05/07/2021

Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ về việc “tổ chức tôn vinh trí thức”. Ảnh: An Nguyên

Từ khi Luật Giáo dục đại học 2018 hay còn gọi là Luật số 34 có hiệu lực từ 1/7/2019, thì tất cả các trường dù mới dù cũ đều chuyển đổi sang mô hình quản trị có Hội đồng trường. Tuy nhiên, tưởng chừng như Luật 34 sẽ “cởi trói” cho các trường đại học để tiến lên tự chủ như mục tiêu của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế thì rất “muôn màu, muôn vẻ”.

Có trường chủ động phát huy ưu điểm của mô hình quản trị mới, nhưng cũng có trường loay hoay chẳng biết phải làm gì. Thậm chí có nơi còn có tư duy “chờ cho Luật 34 sửa đổi và bãi bỏ mô hình Hội đồng trường như mô hình đại học đại cương một thời trước đây”?

Và còn thấy muôn hương “ ?

Luật 34 ra đời với mục tiêu hướng đến tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Đây được xem là một bước tiến về quản trị đại học nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 29-NQ/TƯ (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TƯ (2017) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập.

Điều 16 của Luật 34: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”

điều 20 quy định Hiệu trưởng “là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”.

Hội đồng trường thẩm định các tờ trình dựa vào các văn bản luật và dưới luật liên quan; nghị quyết của Đảng; các quy chế (đã ban hành); chiến lược phát triển Nhà trườngthông qua và ban hành nghị quyết. Căn cứ vào nghị quyết của hội đồng trường, hiệu trưởng điều hành thực hiện và báo cáo kết quả cho hội đồng trường để hội đồng trường căn cứ giám sát.

Như vậy, nếu trường đại học có quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ và chiến lược phát triển được soạn thảo và thẩm định bài bản; triển khai thực hiện nghiêm túc, dựa trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa hội đồng trương và hiệu trưởng, thì chắc chắn mọi việc diễn ra suôn sẻ, quản trị hiệu quả và trường sẽ phát triển bền vững.

Sự “chung vai” của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng thì “gánh nặng” tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ “nhẹ” hơn. Đó cũng chính là mô hình quản trị đại học chuyên nghiệp, xây dựng nhà trường dân chủ và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Và nếu được như vậy thì đây là mô hình quản trị đại học “toả ngát hương thơm – hay thật hay”.

“… Dậy trái mùa…”?

Dù đã được quy định tại Luật 34 và Nghị định 99, nhưng trong thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách suôn sẻ mô hình quản trị đại học có hội đồng trường. Điều đó cũng là tất yếu, bởi lẽ như đề cập ở trên, “tuổi trường” khác; xuất phát điểm khác, cơ quan chủ quản khác, tiềm lực khác,…

Song điều đáng quan tâm vẫn là ý chí của lãnh đạo. Nếu vì mục tiêu chung, “chung sức đồng lòng” thì mọi việc sẽ dần quy củ, rõ ràng và lộ trình tự chủ sẽ từng bước thiết lập và vận hành. Dần dần từ chối tư duy phụ thuộc, xin-cho và chờ đợi…

 

Tiến Sỹ Nguyên Viết Thịnh: cần ban hành một luật chỉnh sửa những bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34 .. xem nội dung

Tuy nhiên, thật sự “rất dở” là vẫn có một số cơ quan chủ quản chưa quyết tâm đẩy mạnh thực hiện đúng Luật 34 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, khiến cho các trường trực thuộc có muốn làm đúng cũng không làm được.

Tất nhiên cũng có trường chưa muốn “độc lập”, rất cần phụ thuộc từ chỉ đạo, hướng dẫn, phân bổ ngân sách,… nếu không sẽ lúng túng vì không đủ năng lực quản trị. Mặt khác, cũng có không ít nơi, trường đại học có tiềm lực tốt nhưng tập thể lãnh đạo không đồng lòng, không muốn phân vai,… làm cản trở tiến trình đổi mới.

Thực tiễn rất muôn màu, nhưng ở đâu né tránh quy luật phát triển vì những lợi ích riêng, thì chắc chắn nơi đó khó phát triển bền vững và sẽ gặp nhiều rủi ro, thách thức. Và mô hình quản trị đại học có hội đồng trường thật sự “dở rất dở”.

Kết luận cho một thực tại triển khai, tất cả thuộc thái độ, cách nghĩ và hành động quyết liệt người có trách nhiệm. Trao quyền và bàn giao nghĩa vụ để những đơn vị hằng ngày đối mặt với thực tiễn có hành động dứt khoát không lăn tăn, không lấn cấn hoang mang… Giao quyền thì nên giao phó trách nhiệm đặt tổng thể trong tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững lâu dài…

Giáo dục đại học Việt Nam qua những thăng trầm, đến nay rất đa dạng về mô hình tổ chức hoạt động và đã có nhiều trường hội nhập quốc tế sâu, có khả năng vươn lên đẳng cấp quốc tế.

Mô hình quản trị đại học có hội đồng trường bước đầu đã được “cởi trói”, nhưng hành lang pháp lí của Nhà nước vẫn chưa thực sự “an toàn”. Chính vì vậy rất cần rà soát, nghiên cứu hướng dẫn để tránh hiện tượng “sợ, không dám làm”, hoặc làm quá đà và vấp ngã…

Nhìn lại mọi góc độ có nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau có trường ra đời vì nhu cầu phát triển nhưng cũng có trường phát triển lên đại học từ một điểm xuất phát thấp do ý chí chủ quan của một thời kì.

Dù gì thì vẫn đang tồn tại và vẫn là một bộ phận trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia, nên cũng cần phải có sự quan tâm quy hoạch, điều chỉnh và hướng dẫn phát huy vai trò của hội đồng trường, nhằm từng bước phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng hoặc sát nhập vào các đơn vị khác, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như sử dụng hiệu quả công quỹ.

Xét về quan điểm “tự chủ và tự chịu trách nhiệm” thì tuỳ điều kiện của từng trường mà tự lựa chọn chiến lược phát triển, mô hình tổ chức và hoạt động riêng dựa trên quyết định của hội đồng trường. Nhưng trong thực tế, nhiều nơi vẫn cần hướng dẫn, thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc không chỉ với nhà trường mà cả với cơ quan chủ quản, mới mong hội đồng trường sớm “thực quyền” như tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Đảng.

Ở nước ta, tư duy làm theo kinh nghiệm và quyết định cảm tính còn ăn sâu, bám chặt trong hoạt động lãnh đạo, quản lí và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho tự chủ đại học. Tự chủ đại học không chỉ đổi mới mô hình quản trị mà còn là đổi mới tư duy. Tư duy tự chủ không chỉ đòi hỏi đối với bí thư đảng uỷ, với chủ tịch hội đồng trường, với hiệu trưởng mà là với toàn xã hội. Chỉ có như vậy, mới có thể thay đổi “căn bản và toàn diện”.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”.

Để đạt được mục tiêu trên, chắc chắn quản trị đại học phải thực sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong quản trị đại học chính là phát triển đại học bền vững. ( Bt chia sẻ PGS Võ Văn Minh Chủ tịch HĐT ĐH Đà Nẵng & TC giaoduc.net)

Ban TT – SV