Nếu tuyển sinh “lạm quyền” tự chủ, trách nhiệm khắc phục hậu quả vi phạm có thể dừng đào tạo, tuyển sinh 5 năm

Ngày 19/06/2021

Phó Giáo sư. TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ VN

Khuyến cáo cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ tuyển sinh và xác định chỉ tiêu hàng năm. Tuy nhiên dù được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng điều đó không đồng nghĩa các trường muốn làm gì thì làm.
Theo Phó Giáo sư. TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN : Các trường phải thực hiện công khai, minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, để cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn đăng ký xét tuyển.

Phó Giáo sư. TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất “Vẫn biết, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, các trường phải thực hiện công khai minh bạch, có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở nào vi phạm sẽ có chế tài xử lý theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm”.

Theo dự thảo Thông tư “Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ” của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo không được tăng so với năm trước liền kề ở một trong các trường hợp: Cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; Tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong vòng 1 năm tính từ khi đang công nhận tốt nghiệp theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề đạt dưới 90%; Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề đạt dưới 80%.
Để công tác tuyển sinh đúng quy định và phát huy quyền tự chủ của trường, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Theo đó, yêu cầu, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền. Các cơ sở đào tạo chủ động phân chia chỉ tiêu của từng ngành và nhóm ngành đào tạo, bảo đảm phù hợp với năng lực thực tế của ngành, nhóm ngành và không vượt quá chỉ tiêu đã được xác định theo lĩnh vực đào tạo. Đề án tuyển sinh của các trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định. Trong đó, công khai minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện sơ tuyển, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng, chính sách ưu tiên của cơ sở đào tạo gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Bộ cũng đề nghị, đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải xây dựng và công bố công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Các cơ sở đào tạo phải bảo đảm tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong cổng thông tin tuyển sinh với các thông tin trong đề án.

Ban TT- SV