Chuyển đổi số thời của “cá nhanh nuốt cá chậm”

Ngày 28/03/2021

GS.TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá các trường đại học khó tiếp cận chuyển đổi số nếu chương trình tin học tiếp tục dạy word và excel như chục năm qua.

Sáng 17/12, tại Hà Nội, trong hội thảo định hướng phát triển Học viện Kỹ thuật mật mã đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng tư vấn, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chỉ ra bất cập của các đại học Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Theo ông Đức, chuyển đổi số là nền tảng, công cụ và trở thành phương thức để các đại học chuyển mình. Tại nhiều trường, môn tin học cơ sở vẫn tập trung dạy word, excel, sử dụng giáo án hàng chục năm qua với nội dung gần như không đổi. “Chuyển đổi số, hội nhập cách mạng 4.0 không phải đao to búa lớn hay ở đâu xa mà cần nhìn vào từ những môn học đã đổi mới hay chưa”, ông Đức nói.

Nhiều trường đưa ra các định hướng, mục tiêu phát triển rất trúng để hội nhập, trở thành đại học đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng các mục tiêu này chưa có chỉ số cụ thể mà chỉ dừng ở “đẩy mạnh”. Chừng nào chưa đo đếm được thì các trường chỉ dừng ở mức mường tượng, nhận dạng vấn đề, chưa tìm được giải pháp cụ thể.

Đại diện Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo đánh giá Việt Nam mạnh về khoa học xã hội. Việc này có truyền thống từ xa xưa với mô hình đại học từ chương, tức coi trọng và phát triển thơ, ca. Dù hiện nay một số đại học đã khẳng định thương hiệu và tên tuổi tại lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mức tiếp cận công nghệ để chuyển mình, thay đổi định hướng từ nghiên cứu sang áp dụng thực tiễn của đa số trường còn hạn chế.

Để giải quyết tình trạng này, ông Đức đề xuất các đại học nên đổi môn Tin học cơ sở thành Kỹ năng số. Giáo án được tham khảo và xây dựng dựa trên nhu cầu và sở thích của giới trẻ và thị trường chứ không chỉ dừng lại ở mức dạy tin học văn phòng. Ngoài ra, ông cho rằng môn Năng lực khởi nghiệp cần được đào tạo ở mọi đại học, không chỉ ở trường kinh tế. Sở dĩ môn học này giúp sinh viên hiện thực hóa ý tưởng của mình sao cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường, không chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Đồng tình với GS Nguyễn Hữu Đức, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, cho rằng các đại học cần xây dựng chính sách trước rồi mới triển khai hệ thống chuyển đổi số. Chẳng hạn, để đẩy mạnh việc học online, các trường cần có chính sách công nhận kết quả. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số vào trường học sẽ khiến khối lượng công việc chênh lệch giữa các bộ phận. Với những người làm ít hơn trước, trường cũng cần có lộ trình chuyển đổi công việc cho họ, được quy định rõ trong chính sách.

Chuyển đổi số là thời của “cá nhanh nuốt cá chậm”

Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định Việt Nam cần đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số, làm chủ không gian mạng, và bảo vệ chủ quyền số quốc gia như một ưu tiên hàng đầu.

“Nếu như trước đây, chúng ta chú trọng vào mua sắm thiết bị phần cứng, rồi đến phần mềm thì nay, chúng ta chú trọng vào làm chủ dữ liệu và phân tích dữ liệu”, Thứ trưởng cho biết.

Nói đến dữ liệu – ai cũng biết trong chuyển đổi số, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và được ví như ‘dầu mỏ’ trong cuộc Cách mạng 4.0. Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu 1 ngày. Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý nó như thế nào.

Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch kiêm CEO VNG, cho rằng để xây dựng một hạ tầng phát triển kinh tế dữ liệu thành công tại Việt Nam, người dân trước hết cần phải có được sự tin tưởng là dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Kim Hùng cảnh báo chuyển đổi số “phản tác dụng”

Đừng ảo tưởng chuyển đổi số sẽ biến mình thành con rồng. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số không sao, nhưng cũng có trường hợp chuyển đổi số lại gặp thất bại”, chuyên gia Nguyễn Kim Hùng chia sẻ.

Thực tế, không ít doanh nghiệp chạy theo phong trào, đầu tư vào chuyển đổi số khi không có xuất phát điểm đúng, dẫn đến thất bại. Đánh giá chung về quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – đã đưa ra nhận định trên. Theo ông Hùng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách sẽ gây “phản tác dụng”, thậm chí để lại hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định rõ lộ trình chiến lược chính là “xương sống” để chuyển đổi số thành công, nhất là các doanh nghiệp SMEs.

Nội dung trên được đề cập tại Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, nằm trong khuôn khổ ngày Chuyển đối số Việt Nam (DX Day Vietnam 2020). Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp SMEs Việt Nam tổ chức.

Qua các nghiên cứu, Phó Viện trưởng Nguyễn Kim Hùng nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang gặp nhiều vấn đề không đáp ứng được cho quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, hệ tư duy của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp không đồng đều, dẫn đến tình trạng ứng dụng khó khăn khi chưa có sự đồng thuận giữa các bộ phận chức năng tại đơn vị. Diễn giả cho rằng, điều quan trọng nhất để khắc phục điều này là thay đổi nhận thức của toàn thể doanh nghiệp, bắt đầu từ tư duy của ông chủ.

Lấy dẫn chứng khi làm việc với các doanh nghiệp SMEss tại địa phương, ông Hùng nhận thấy bộ phận này còn gặp khó khăn nhiều hơn khi ứng dụng chuyển đổi số. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa đồng bộ trình độ cho nhân viên, thậm chí từ những kỹ năng số cơ bản như word, excel, mindmap…

Có những trường hợp ông chủ doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi số nhưng nhân viên không hiểu, chưa được thay đổi tư duy, dẫn đến xảy ra tình trạng thực hiện chống đối” – ông cho hay.

Đồng thuận với dại diện Hiệp hội Doanh nghiệp SMEs, ông Đặng Thanh Hưng – Giám đốc Trung tâm CNTT VNPT đưa ra thêm một số thách thức đang hiện hữu đối với doanh nghiệp chuyển đổi số. Cụ thể, doanh nghiệp thời 4.0 phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, thế hệ khách hàng với nhu cầu mới, đòi hỏi năng lực tư duy mới và các yếu tố không lường trước như thiên tai, dịch bệnh…

Chuyđi s đòi hi l trình nghiêm túc, tuyđi không làm theo phong trào

Xác định COVID-19 là một trong những cơ hội hiếm có để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, tuy nhiên Phó Viện trưởng Nguyễn Kim Hùng cho rằng các doanh nghiệp SME vẫn phải vạch ra mục tiêu cụ thể trước khi quyết định bước sang giai đoạn mới. Theo lộ trình xây dựng văn hóa – chiến lược số, cải tiến công nghệ, gắn kết khách hàng, phân tích và quản lý dữ liệu, ông Hùng khuyến nghị nên xuất phát từ thay đổi tư duy của ông chủ doanh nghiệp.

Khi có nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số, người đứng đầu có thể hoạch định chiến lược theo nhu cầu, tình trạng, nhằm giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo sẽ đưa ra những phương án đào tạo kỹ năng cho cá nhân, đồng bộ quy trình, số hóa quy trình, sau đó áp dụng trên nền tảng số. Đối với doanh nghiệp tại các địa phương, các chương trình đào tạo trực tuyến chuyên biệt về kỹ năng, kỹ thuật số hóa quy trình cho nhân viên được coi là giải pháp trước mắt.

Điều quan trọng nhất, ông Hùng cho rằng doanh nghiệp chỉ nên chuyển đổi số khi đã thực sự sẵn sàng. Khi đã xác định thời cơ và phân tích tiềm lực, các doanh nghiệp SMEs hoàn toàn có thể chuyển đổi số thành công theo lộ trình nghiêm túc.

“Muốn chuyển đổi số, muốn tận dụng được tất cả hướng dẫn, chính sách, minh bạch dữ liệu thì các doanh nghiệp phải xem xét rằng nguồn lực, chiến lược phát triển, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa? Các doanh nghiệp cần tự mình trả lời câu hỏi đó. Nếu chưa, hãy quay về làm cho mình sẵn sàng rồi sau đó mới tính đến triển khai lộ trình chuyển đổi số” – ông Hùng khuyến nghị.

Nhìn chung, chuyển đổi số là chìa khóa, cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên số, chi phí và công cụ thực sự không phải là vấn đề. Đây là cả một quá trình dài, phải xuất phát từ tư duy, nhận thức của chính lãnh đạo và đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp cũng như đảm bảo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ. Lấy con người làm gốc, xây dựng chiến lược phù hợp tiềm lực, tận dụng thời cơ và nắm bắt xu thế, doanh nghiệp SMEs hoàn toàn có thể tự tin chuyển đổi số thành công.

Ban Truyền thông – Sinh viên