Ngày 29/03/2021

 GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội góp ý về Văn kiện Đại hội XIII vấn đề đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Để đổi mới giáo dục đại học, theo Theo GS TS, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp đột phá:

Một là, chúng ta phải xây dựng triết lý mới về giáo dục đại học. Nhu cầu đổi mới giáo dục xuất phát từ yếu tố thời đại. Vì vậy, triết lý đào tạo phải thay đổi. Triết lý của đào tạo nhân lực trong thời đại cách mạng 4.0 là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với nền tảng là giáo dục khai phóng + STEM.

Hai là, đổi mới cấu trúc và yêu cầu, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, để chất lượng nguồn nhân lực hội nhập với khu vực, quốc tế và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Sinh viên ra trường không chỉ có công ăn việc làm, mà còn phải có tầm nhìn, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời, nền giáo dục của chúng ta phải đào tạo được thế hệ trẻ có hoài bão chấn hưng đất nước.

Việt Nam đang nhắc nhiều đến giáo dục khai phóng, nhưng không thể nắm bắt và làm chủ được các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 nếu nguồn nhân lực của chúng ta không được đào tạo và trang bị kiến thức STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Vì vậy, với triết lý giáo dục như trên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục khai phóng, với STEM và phát triển bền vững chính là những nội dung đổi mới cốt lõi và cần có của chương trình đào tạo.

Triết lý của đào tạo nhân lực trong thời đại cách mạng 4.0 là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với nền tảng là giáo dục khai phóng + STEM

Ba là, cần có quy hoạch và phát triển ngành nghề cho tương lai. Chúng ta còn quá mỏng lực lượng chuyên gia và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh công nghệ thông tin, chúng ta cũng phải đẩy mạnh nghiên cứu về tích hợp hệ thống (System  Integration), công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality), an toàn thông tin (Cyber Security), về năng lượng mới, các vật liệu mới tiên tiến, thông minh,… để ứng dụng cho các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới cũng như nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp theo các mô hình mới.

Bốn là, khẩn trương xây dựng chiến lược và giải pháp đổi mới đào tạo tài năng và chất lượng cao trong các trường đại học. Trong thời gian tới cần triển khai đẩy mạnh đầu tư đào tạo cử nhân/kỹ sư tài năng về công nghệ thông tin, mạng máy tính, tự động hóa, cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác.

Thời đại ngày nay, đang có xu thế đào tạo tài năng và chất lượng cao theo cá nhân hóa. Do vậy, các trường đại học ở Việt Nam cần sớm đổi mới mô hình đào tạo tài năng và chất lượng cao ở bậc đại học. Một trong những mô hình hay là đào tạo “kỹ sư toàn cầu” – đã bắt đầu được đào tạo tại Nhật Bản từ 2015, tại Tokyo Institute of Technology (chương trình GSEP: Global Scientists and Engineers Program).

Chương trình đào tạo này có các kiến thức liên ngành về toán học, vật lý, cơ học cộng với nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phát triển bền vững – với các kỹ năng mềm và khởi nghiệp, hoàn toàn có thể tiên phong triển khai ở hai đai học quốc gia, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.HCM và một số cơ sở đào tạo lớn khá. Trên cơ sở nền tảng đó phát hiện nhân tài để tiếp tục đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực.

Năm là, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Với sự ra đời của các công nghệ mới và IoT đã mở ra những khả năng có thể giảng dạy và học tập ở mọi nơi mọi lúc, học xuyên biên giới, đồng thời tạo ra các cơ hội để tranh thủ và tối ưu hóa các nguồn lực (về con người, học liệu, CSVC,….) kiểu như “uber hóa trong giáo dục”.

Sáu là, tập hợp lực lượng, thu hút nhân tài để xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của nước nhà thông qua các nhóm nghiên cứu. Bên cạnh các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu chính là tế bào trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa của nhà trường.

Muốn như vậy, chúng ta phải có đột phá trong chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Nhân tài là mấu chốt trong cạnh tranh và phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay.

Bảy là, bên cạnh đổi mới giáo dục đại học, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực then chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.

Điển hình như công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, năng lượng mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ sinh học, y học …và xa hơn là nghiên cứu cả những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực quản trị, quản lý, khoa học pháp lý.

Các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược, giải pháp cụ thể để ứng dụng tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao, nền kinh tế số hóa, chuỗi cung ứng thông minh, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc đào tạo lại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cuối cùng, để triển khai các giải pháp trên, chúng ta cần có những đột phá về cơ chế chính sách. Các trường đại học đang chuyển mình theo xu thế tự chủ và Việt Nam đang rất cần “cơ chế khoán 10” trong giáo dục đại học và quản lý khoa học công nghệ. Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và giải pháp để triển khai mô hình 4 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học – Doanh nghiệp.

Ban Truyền thông – Sinh viên