“Chìa khoá” phối hợp giữa Đảng uỷ, HĐT, Ban giám hiệu: “Đúng vai, thuộc bài”
GDVN -Thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu cùng với các thiết chế khác là những bộ phận không thể thiếu để thúc đẩy một cơ sở GDĐH phát triển hài hoà.
Chiều ngày 27/9, tại Trường Đại học Vinh đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Phối hợp công tác giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu”.
Tọa đàm do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức.
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội và ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên.
Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ, cùng các thầy cô trong Ban chủ nhiệm và thành viên Câu lạc bộ, các thầy cô thuộc ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Về phía Trường Đại học Vinh có Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường; và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng – Hiệu trưởng nhà trường.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến và ông Phạm Ngọc Lan tại buổi toạ đàm.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đại diện Hiệp hội trao tặng bằng khen cho nhà trường.
Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm- Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cũng gửi quà lưu niệm để chúc mừng và cảm ơn Trường Đại học Vinh đã phối hợp tổ chức tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền bày tỏ niềm vinh dự khi được chào đón các đại biểu tham dự tọa đàm tại Trường Đại học Vinh.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Vinh, những chia sẻ tại các buổi tọa đàm, hội thảo,… bàn về giáo dục đại học đều nhằm hướng tới việc thực hiện sứ mệnh của giáo dục đại học. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng có 3 sứ mệnh lớn, là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ sở giáo dục đại học.
Sứ mệnh thứ nhất đó là thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực và cả nước, thậm chí nguồn nhân lực cho quốc tế.
Sứ mệnh thứ hai cũng có vai trò hết sức quan trọng, đó là nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, đó là chuyển giao công nghệ và thực hiện cung ứng các dịch vụ.
“Ngoài 3 sứ mệnh này, theo tôi, tới đây các cơ sở giáo dục đại học còn có một sứ mệnh nữa, đó là sứ mệnh cùng nhau hợp tác, chia sẻ vì sự phát triển bền vững. Với tinh thần như vậy, tôi tin rằng tọa đàm hôm nay sẽ có chất lượng, hiệu quả cao.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không kỳ vọng giải quyết nhiều vấn đề nhưng những bài học kinh nghiệm của mỗi một một cơ sở đại học đều rất quan trọng, nhất là trong cái bối cảnh chúng ta vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một mô hình, giải pháp đúng cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Huy Bằng – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã có bài tham luận chia sẻ về “Phối hợp công tác giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu”.
Theo Giáo sư Nguyễn Huy Bằng, Đảng uỷ và Hội đồng trường làm việc theo thiết chế hội đồng, còn hiệu trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng. Nếu vấn đề về mô hình, quy chế hoạt động của 3 thể chế này không dung hoà sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình vận hành.
Đảng uỷ có vai trò lãnh đạo, giám sát Hội đồng trường. Hội đồng trường lãnh đạo, giám sát Hiệu trưởng. Hội đồng trường cũng có trách nhiệm báo cáo cho Đảng uỷ. Và Hiệu trưởng có trách nhiệm báo cáo và đề xuất cho Hội đồng trường, Đảng uỷ.
Trong đó, Đảng uỷ đưa ra đường lối, chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển nhà trường, đồng thời kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động của trong nhà trường. Đảng có vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện mọi mặt hoạt động của nhà trường.
Hội đồng trường hoạch định chiến lược trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và các chủ trương của các cơ quan cấp trên. Từ đó thiết lập, điều tiết mô hình quản trị trong nhà trường làm sao phát huy hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà trường tốt nhất. Cuối cùng, giám sát, giải trình hoạt động của cả Hội đồng trường, Hiệu trưởng cho tất cả các bên liên quan.
Còn Hiệu trưởng sẽ thực hiện xây dựng các kế hoạch, quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, báo cáo, giải trình và từ đó tiếp tục có đề xuất/kiến nghị cho Hội đồng trường, Đảng uỷ.
Chia sẻ thực tiễn phối hợp giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và Hiệu trưởng tại Trường Đại học Vinh, Giáo sư Nguyễn Huy Bằng đã lấy dẫn chứng từ quá trình cụ thể hoá chiến lược phát triển tại đơn vị.
Trường Đại học Vinh được thành lập từ năm 1959, với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Đến năm 2001, chuyển từ trường đại học sư phạm thành trường đại học đa ngành. Sau 10 năm, Trường Đại học Vinh được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
Đến năm 2021, Trường Đại học Vinh tiếp tục có sự điều chỉnh, thay đổi tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển.
Theo đó, cơ chế phối hợp để đề ra chiến lược phát triển được nhà trường thực hiện như sau: Đảng ủy chủ trương về định hướng phát triển của nhà trường. Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng xây dựng, lấy ý kiến các bên liên quan, trình Hội đồng trường thông qua, ban hành. Từ đó, lấy làm căn cứ triển khai thực hiện các hoạt động hàng năm.
Giáo sư Nguyễn Huy Bằng chia sẻ: “Tầm nhìn của Trường Đại học Vinh được thể hiện qua 3 từ khoá: đại học thông minh, xếp hạng top 500 đại học hàng đầu châu Á và đổi mới sáng tạo”.
Để thực hiện hoá tầm nhìn trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết nhà trường chủ trương thực hiện 3 đột phá chiến lượng theo định hướng 3 đột phá chiến lược quốc gia, đó là về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Trong đó, thực hiện đột phá về thể chế thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng đổi mới sáng tạo, tối ưu hoá quản trị chất lượng hiệu quả và tăng cường tự chủ nội bộ.
Về nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp. Cuối cùng, thực hiện đột phá về hạ tầng thông qua việc định hướng đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ thêm về mối quan hệ công tác giữa 3 thiết chế Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu, Hiệu trưởng Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh:
“Thiết chế Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban giám hiệu cùng với các thiết chế khác là những bộ phận không thể thiếu để thúc đẩy một cơ sở giáo dục đại học phát triển hài hoà, bền vững. Vấn đề là phải đúng vai, thuộc bài, và đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ”.
Tiếp nối phần trình bày tham luận của Giáo sư Nguyễn Huy Bằng, các đại biểu tham dự tọa đàm tiếp tục có nhiều trao đổi, thảo luận tích cực, đi sâu bàn luận về các vấn đề thực tiễn khác nhau trong vận dụng thiết chế Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu ở các đơn vị.
Trong đó, có một số vấn đề nổi bật đã được thảo luận tại tọa đàm như Luật 34 quy định Hội đồng trường có quyền hạn và trách nhiệm ban hành 3 văn bản, gồm quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính và quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học.
Một số hình ảnh khác tại buổi toạ đàm:
Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm – Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường
Phó giáo sư Phạm Ngọc Thạch – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hà Nội.
Đại biểu tham dự toạ đàm chụp hình lưu niệm tại Trường Đại học Vinh.
Doãn Nhàn