Doanh nhân Việt khát khao hiến dâng cho giáo dục- TS. Nguyễn Tiến Luận

Ngày 09/02/2022

Luôn khát khao hiến dâng cho giáo dục, sẵn sàng đầu tư trí tuệ, tài sản cho sự nghiệp trồng người, vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng, cũng là để tri ân đồng đội”.

TS. Nguyễn Tiến Luận

Đó chính là điều người lính – doanh nhân, TS. Nguyễn Tiến Luận luôn đau đáu trong câu chuyện về những kế hoạch ông đang ấp ủ để kiến tạo một tương lai vững bền cho thế hệ mai sau.

Tâm huyết với dự án giáo dục đẳng cấp quốc tế

Cuộc gặp cuối năm với “doanh nhân binh nhì” Nguyễn Tiến Luận phải đổi lịch vì ông có hẹn với vị Đại sứ Hàn Quốc để trao đổi một số công việc, trong đó có dự án lớn mà ông đang xúc tiến: vận động thành lập Trường đại học quốc tế Việt – Hàn.

“Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc tiềm năng như thế nào, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiệu quả ra sao là điều không cần phải bàn thêm. Chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc vừa qua thêm một lần nữa khẳng định tiềm năng to lớn trong hợp tác giữa hai nước. Nhưng, trong lĩnh vực giáo dục, đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có trường đại học quốc tế nào có vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Do đó, thành lập Trường đại học quốc tế Việt – Hàn vừa là một cơ hội lớn, vừa là một đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn khách quan”, TS. Nguyễn Tiến Luận mở đầu câu chuyện bằng việc lý giải cho kế hoạch lớn mà ông đang theo đuổi.

Vị doanh nhân, nhà giáo, người sáng lập hệ sinh thái giáo dục Nguyễn Trãi (gồm Trường đại học Nguyễn Trãi, Trường cao đẳng nghề Nguyễn Trãi và Trường phổ thông liên cấp Hà Thành), Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhân lực (Ladeco) cho biết, từ năm 2015 đến nay, Trường đại học Nguyễn Trãi, nơi ông đang giữ cương vị Hiệu trưởng, đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam và các nghị sĩ Hàn Quốc, Hội Người Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trường đại học Nguyễn Trãi cũng là thành viên đầu tiên và duy nhất tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) với tư cách là trường đại học của Việt Nam để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hơn nữa, Trường đại học Nguyễn Trãi đang tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai Dự án Đào tạo nghề nhân đạo đặc biệt cho người yếu thế Việt Nam – Hàn Quốc, đào tạo dạy nghề cho phụ nữ, hộ nghèo, người khuyết tật, những người bị nhiễm chất độc màu da cam từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, ông Luận cho biết, tính đến cuối năm 2021, Trường đại học Nguyễn Trãi đã ký hợp tác với 21 trường đại học, trong đó có các trường đại học quốc gia Hàn Quốc để gửi học sinh đi du học, kết hợp đào tạo theo mô hình 2+2 và thực tập sinh, giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên.

Với thế mạnh về hợp tác với Hàn Quốc như vậy, TS. Nguyễn Tiến Luận cho hay, ông đang rất kỳ vọng vào Dự án Trường đại học quốc tế Việt – Hàn.

“Dự kiến, chúng tôi sẽ hợp tác với 3 đại học lớn của Hàn Quốc để đưa chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục chất lượng Hàn Quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam vào giảng dạy, còn phía Trường đại học Nguyễn Trãi sẽ là đầu mối đảm nhận cơ sở vật chất, nhân lực… Hiện chúng tôi đã ký kết ghi nhớ với Đại học Quốc gia Incheon, Đại học Quốc gia Busan và sẽ xúc tiến làm việc với Đại học Quốc gia Seoul về kế hoạch hợp tác”, TS. Nguyễn Tiến Luận chia sẻ.

Gần 30 năm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, ông khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học tư thục tại Việt Nam. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc mở rộng hệ thống các trường đại học ngoài công lập, hợp tác với các trường đại học nước ngoài để chuyển giao công nghệ cấp bằng quốc tế tại Việt Nam, giúp sinh viên lĩnh hội nền giáo dục đẳng cấp quốc tế mà không cần phải ra nước ngoài, giảm chi phí học tập, giữ lại được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Dự án Trường đại học quốc tế Việt – Hàn cũng sẽ là biểu tượng góp phần nâng cao vị thế quan hệ ngoại giao bề dày 3 thập kỷ giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.

Khởi nghiệp” không ngại tuổi

Kế hoạch thành lập Trường đại học quốc tế Việt – Hàn chỉ là một trong những dự án giáo dục quy mô mà ông Luận vẫn đang quyết tâm “khởi nghiệp”, dù đã ở tuổi xế chiều. Bởi với ông, khát khao cả cuộc đời này là hiến dâng cho giáo dục, đầu tư tất cả trí tuệ, tiền của cho sự nghiệp trồng người, cho thế hệ trẻ.

Cuối năm 2021, ông đón nhận thêm một tín hiệu tích cực cho nỗ lực trồng người của mình: Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi (đang được xác định lại tên gọi là Khu đô thị mới Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi, quy mô 34 ha) mà ông gây dựng từ năm 2006, trải qua bao biến động do sự thay đổi về địa giới hành chính (khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội), sự thay đổi về pháp luật, quy định liên quan đến đầu tư dự án, nay đã và đang được lãnh đạo TP. Hà Nội quan tâm, xem xét, tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, kết luận chỉ đạo để tiến hành những bước tiếp theo.

Đây là một dự án ông đặt nhiều kỳ vọng, được thiết kế quy hoạch sáng tạo, hiện đại, tối ưu quản lý đô thị, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, đô thị sinh thái và bền vững. Dự án là nơi lý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo “công dân toàn cầu” – là nơi để giới trẻ Việt Nam sống trong nước và ngoài nước được kết nối, cùng sống, học tập, làm việc, sáng tạo khởi nghiệp, làm giàu trên quê hương, cho quê hương – đất nước mình. Dự án cũng sẽ góp phần đưa Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Hệ sinh thái giáo dục Nguyễn Trãi đang ấp ủ đam mê, khát vọng sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tài sản cho dự án tương lai xây dựng “Khu đô thị mới Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi” để đào tạo “công dân toàn cầu”, thu hút làn sóng khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, những người nước ngoài yêu mến Việt Nam, cùng giới trẻ trong nước.

“Dự án sẽ đón khoảng 650 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, 20.000 – 30.000 người sinh sống, học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học; thu hút các trường đào tạo hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực quốc tế, lan tỏa phát triển công nghệ cho đất nước. Với năng lực và kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã cam kết với lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ triển khai thực hiện thành công dự án này”, TS. Nguyễn Tiến Luận cho biết.

Là một người lính đã vượt qua lằn ranh sinh tử của bom đạn ở mặt trận quân khu 5, được trở về với đời thường, TS. Nguyễn Tiến Luận luôn chia sẻ với các thế hệ sinh viên, học sinh khát khao lớn nhất của cuộc đời mình, đó là sống xứng đáng để trả nợ và tri ân đồng đội, như câu nói trong bức ảnh được ông đặt trang trọng ở lối vào của Trường đại học Nguyễn Trãi: “Phần thưởng lớn nhất của tôi là sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của tôi là giúp sinh viên thành công nhanh hơn thầy”.

Ngày 30/11/2021, UBND TP. Hà Nội có Thông báo số 645/TB-VP thông báo Kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp về quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư Khu giáo dục Nguyễn Trãi (Khu đô thị mới Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi) tại quận Hà Đông của Công ty Ladeco.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội thống nhất kết luận: “Trên cơ sở thực trạng thủ tục pháp lý dự án đầu tư trên cũng như tương tự các dự án đầu tư khác trên địa bàn các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc trước khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính TP. Hà Nội, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành Thành phố liên quan nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tính kế thừa pháp lý quy hoạch, đầu tư dự án, củng cố chặt chẽ pháp lý dự án đầu tư, tính đặc thù của dự án đầu tư để đảm bảo sự phù hợp chủ trương đầu tư và quyền lợi của Công ty Ladeco mà UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) đã xác định, đảm bảo tính pháp lý khách quan (lưu ý các văn bản: Văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng ý, đã có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; kết quả rà soát phân loại đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên trong tổng thể 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư giai đoạn sau hợp nhất mở rộng địa giới hành chính phục vụ nghiên cứu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…); trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư củng cố hồ sơ, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố…”.

Ban TT&SV