Cuốn sách “Cơ hội để thành công” của nhà cải tổ giáo dục Tony Wagner và nhà khởi nghiệp sáng tạo Ted Dintersmith – Sáng tạo để thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp
Ngày 20/11/2021
Cuốn sách của nhà cải tổ giáo dục Tony Wagner và nhà khởi nghiệp sáng tạo Ted Dintersmith lý giải vì sao sáng tạo cần trở thành trọng tâm của quá trình học tập và rằng thành công, hạnh phúc của thế hệ trẻ sẽ ngày càng phụ thuộc vào khả năng đổi mới của mỗi cá nhân cũng như của cả hệ thống giáo dục.
GS Tony Wagner không phải là một người học hành theo lối chuẩn mực trong suốt giai đoạn phổ thông. Ông tự nhận bản thân không phải là một cậu học trò xuất sắc, theo những định nghĩa của hệ thống giáo dục Mỹ vào những năm 1960. Ông cũng từng thú nhận mình có điểm thi SAT ở mức trung bình và phải học ở ba trường đại học rồi mới có tấm bằng cử nhân. Mặc dù sau này ông lấy bằng Thạc sĩ giảng dạy và Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Harvard, những nghiên cứu của ông vẫn luôn bình dị và nhiều khi đi ngược lại với những tiêu chuẩn bất thành văn của Harvard. Trên hết, ông là con người luôn gắn sát với thực tiễn, luôn thách thức mọi vấn đề hệ thống, chính sách, và lý thuyết dưới lăng kính thực tiễn – một lăng kính đặt lợi ích của trẻ vào vị trí quan trọng bậc nhất.
uốn sách “Most likely to succeed – Preparing Our Kids for the Innovation Era” nói về những bất cập trong cải cách giáo dục ở Mỹ được ông và Ted Dintersmith chấp bút đồng thời với quá trình sản xuất bộ phim có cùng tựa đề “Most likely to succeed”. Tôi đọc cuốn sách này lần đầu vào tháng 11/2015, chỉ đôi tháng sau khi nó được ấn hành. Khi đó, ở Việt Nam chưa có nhiều bàn luận về chuyện “phát triển năng lực”, những chuyển biến xoay quanh Giáo dục STEM vẫn còn sơ khai và hết sức trong trắng. Đó cũng là khoảng một năm sau khi Việt Nam triển khai Thông tư 30/2014 về bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học. Chúng ta đã có những ý định, kì vọng tuyệt vời và nhân văn, nhưng quá trình triển khai nó lại hết sức luẩn quẩn và bế tắc.
Tại thời điểm này, khi Most likely to succeed vừa được dịch sang tiếng Việt, chúng ta đang ở trong một bối cảnh khác hoàn toàn so với 6 năm trước. Những loay hoay xoanh thông tư 30 ngày nào giờ đã trở thành những câu chuyện hoài cổ về sự lúng túng, bất nhất trong triển khai. Cũng như vậy, giờ đây nhà nhà nói về STEM, người người nói về STEM.
Tại thời điểm này, Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành Thông tư 22/2021 về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cả hai thông tư kể trên đều hướng tới một sự thay đổi hoàn toàn khác biệt so với các tư duy và thực tiễn trước đó: gạt bỏ việc đánh giá học sinh bằng điểm số. Và tất nhiên, một câu hỏi rất khó nhằn mà tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đang kiếm tìm câu trả lời: Số phận của thông tư 22/2021 thế nào? Liệu quá trình triển khai nó có giống thông tư 30/2014 hay không? Có bài học nào sẽ lặp lại để rồi ta gán nhãn nó là điều mặc nhiên không thể thay đổi được?
Cuốn sách giáo dục của Tony Wagner và Ted Dintersmith có đề cập tới câu trả lời cho các cải tổ đang diễn ra ở Việt Nam, ví dụ như số phận của các thông tư mà tôi vừa kể trên, hay không, tôi không dám trả lời thay cho bạn. Nhưng cuốn sách cho cái nhìn bao quát về tiến trình cải tổ giáo dục ở Mỹ thông qua những câu chuyện của cá nhân tác giả và của những người được phỏng vấn trải dài khắp các giai đoạn từ thập niên 1960 cho đến năm 2015. Một điều đáng ngạc nhiên, là nhịp sinh hoạt, học tập hằng ngày của một sinh viên năm 2015 lại chẳng mấy khác mấy so với những năm đầu thế kỷ XX. Có lẽ đó là hệ quả của một điều không lấy gì làm ngạc nhiên khác: ở bất kì thời kì nào, chúng ta cũng đặt ra những chuẩn tắc mới về kiến thức để học trò dựa vào đó mà tuân thủ và làm tốt việc “đạt được những kiến thức đó”.
Khoảng năm 1969, nhà khoa học Xô Viết Vasiliy Vasilievich Nalimov đã đặt nền móng cho Scientometrics (Trắc lượng khoa học), một lĩnh vực nghiên cứu, đo lường thông tin, kiến thức. Trong lĩnh vực này có một thuật ngữ khá thú vị: Half-life of knowledge (Chu kì/độ bán rã tri thức) – tức là khoảng thời gian để một nửa khối lượng tri thức trong một lĩnh vực nào đó trở nên lỗi thời. Không có sự thống nhất về định nghĩa “tri thức”, cũng không có công thức định lượng rõ rệt để đo “khối lượng tri thức”. Nhưng một điểm chung trong các mô tả về chu kì bán rã tri thức của các ngành khoa học, đó là chúng ngày càng rút ngắn lại. Ví dụ, nếu bạn bắt đầu học đại học năm 1970 và tốt nghiệp năm 1974, phần lớn kiến thức của bạn vẫn còn rất “tươi mới” cho đến tận những năm 1980. Thế nhưng, bất kể bạn học ngành nào vào khoảng 2010, thì một nửa kiến thức của bạn đã trở nên lỗi thời ngay chính lúc bạn nhận bằng tốt nghiệp.(1)
Cũng giống như cách mà chúng ta đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19 vậy: những biến chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, các nhà khoa học phải liên tục tìm ra những công thức vaccine cũng như các liệu trình điều trị mới. Nếu như không có vaccine, một người phải tự đương đầu với virus và đối mặt với rủi ro tử vong. Trong giáo dục, hay rộng hơn là trong đời sống, tình thế của chúng ta không gấp gáp như vậy nhưng lại bất lợi hơn rất nhiều. Trên thực tế, đa số thanh thiếu niên tại bất kể quốc gia nào cũng sẽ chẳng thể tự mình sản sinh ra kháng thể để chống chọi lại các chu kì bán rã tri thức. Kết cục là, chúng ta có những thế hệ lao động thiếu hụt năng lực, đối với mọi ngành nghề. Câu hỏi đặt ra là, các hệ thống giáo dục sẽ trở mình thể nào để không bị hụt hơi vì suốt ngày phải chạy theo các chu kì bán rã tri thức?
Có một sự tưởng tượng khá thú vị mà Tony Wagner đã đặt ra trong cuốn sách này: nếu như chúng ta có thể scan bộ não của một giáo sư trong biên chế, liệu ta sẽ thấy những gì? Cá nhân tôi lại liên tưởng về những thứ sẽ nhìn thấy nếu ta scan bộ não của các hiệu trưởng, bộ trưởng, và các quan chức giáo dục. Điều ẩn sau những hình dung đó của chúng ta, chính là một khát khao mãnh liệt về một sự thay đổi cấp tiến và dứt khoát, giống như một chú sâu hóa bướm, chứ không phải như những gợn sóng trên bề mặt. Hai tác giả của cuốn sách này cũng vậy. Đối với hệ thống giáo dục Mỹ, Tony Wagner và Ted Dintersmith nhận định rằng, “Cải tổ thực sự có ý nghĩa đã bị cản trở bởi những lợi ích tập thể với mong muốn giảng dạy kiến thức nội dung, và cho ra được đường cong hình chuông hoàn hảo (về điểm số)” và “hệ thống giáo dục đã thất bại trong việc giúp thanh thiếu niên chuẩn bị cho tương lai.”
Ở quy mô toàn cầu, tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy. Giống như cách mà phụ huynh ở các nước đang phát triển say đắm các kì thi chuẩn hoá như IELTS, TOEFL, SAT, GRE, thì chính phủ các nước đang phát triển bị mê hoặc bởi PISA, TMISS hay TALIS. Những bộ công cụ này, như lời của TS Yong Zhao (Hiệu trưởng Trường Giáo dục, Đại học Oregon) được trích dẫn trong sách, đã “tạo ra những mô hình ảo tưởng về sự xuất sắc, lãng mạn hóa sự khốn khổ, tôn vinh chủ nghĩa độc tài trong giáo dục và nghiêm trọng nhất, hướng sự chú ý của thế giới về quá khứ thay vì hướng về tương lai.”
Vậy, đâu là những lựa chọn thay thế?
Trong cuốn sách của Tony Wagner – một chuyên gia cải tổ giáo dục, và Ted Dintersmith – một nhà khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ thấy những so sánh (về hệ thống giáo dục, áp lực, nhu cầu ngành nghề…) giữa các thế hệ và giữa các lĩnh vực. Tựu trung, đó là ý niệm về những cách nhìn nhận khác, các tiếp cận khác để định nghĩa thành công. Không hề mới mẻ, không hề bóng bẩy, đó là tầm quan trọng của năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy thấu đáo, giao tiếp và cộng tác – những phạm trù không bị ảnh hưởng bởi các chu kì phân rã kiến thức.
Nếu đọc vội cuốn sách này, có thể bạn sẽ nghĩ tác giả đâu có làm việc gì khác ngoài bới móc và chỉ trích. Ở một góc độ nào đó, tác giả gạt bỏ những cuộc đua về điểm số nhưng lại đề cập đến những cuộc đua khác về đổi mới sáng tạo, vậy có khác gì bắt một con cá từ chậu nước này sang chậu nước khác đâu? Thế nhưng, nếu đọc kĩ hơn, tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm tin hơn vào sự sáng tạo và thay đổi – cơ chế giúp cho các thế hệ tương lai thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta.
(1) Arbesman, S. (2013). The half-life of facts: Why everything we know has an expiration date. Penguin. ( theo Báo khoa học phát triển)