Ấn tượng từ thành tích thi Olympic quốc tế của học sinh Việt Nam

Ngày 07/01/2022

Đỗ Hoàng Minh, trưởng ban lập trình (khoá học 2019-2020) của CLB robot GART 6520, Trường TPHT Hà Nội – Amsterdam, HCĐ Olympic Kinh tế quốc tế IEO 2021, tham gia tập huấn lập trình robot cho các giáo viên huyện vùng cao Thạnh An, tỉnh Cao Bằng tháng 5/2021. Ảnh: ĐHS

Thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi Olympic quốc tế ngày càng tốt hơn, nhưng đồng thời nó bộc lộ rõ hơn một số vấn đề cần được ngành giáo dục lưu tâm giải quyết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm 2021, Bộ cử 7 đoàn với 37 lượt học sinh tham gia các kỳ Olympic gồm: 1 đoàn dự Olympic Tin học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; 1 đoàn dự Vật lí Olympic khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; và 5 đoàn dự Olympic quốc tế các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
Kết quả, tất cả các thí sinh Việt Nam đều đoạt giải với 12 HCV, 13 HCB, 10 HCĐ và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích). Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Trong đó, tôi rất muốn điểm lại một thành tích có thể nói hiếm trường THPT nào trên thế giới đạt được, nếu tính theo số huy chương ở các kỳ thi Olympic quốc tế lớn chỉ trong một năm học, như Trường THPT Hà Nội – Amsterdam trong năm 2021: 17 huy chương Olympic quốc tế ở các môn học; và 2 huy chương ở môn cờ vua, trong đó có 1 HCV Cúp Cờ vua trẻ thế giới U16. Cần nói thêm, số huy chương ở tầm khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Trường cũng rất nhiều.
Năm 2021, lần đầu tiên Trường Ams có 1 HCV Olympic Toán quốc tế IMO; thêm vào đó là 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế IPhO, 2 HCV Olympic Hoá học quốc tế IChO. Ngoài ra, ở kỳ Olympic Vật lý Thiên văn quốc tế IOAA, cả 5 học sinh của Trường đều đoạt giải với 2 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Ở Olympic Khoa học trẻ thế giới IJSO 2021, các học sinh của Trường giành đến 4 HCV và 2 HCB.
Đặc biệt, bên cạnh thành tích rực rỡ ở các kỳ Olympic quen thuộc, năm 2021, lần đầu tiên Trường có 1 HCĐ ở Olympic Kinh tế quốc tế IEO ngay trong lần đầu tiên đội tuyển quốc gia tham dự.
Cách đây 4 năm, IEO bắt đầu được tổ chức theo ý tưởng của Eric Maskin, giáo sư Kinh tế học và Toán nổi tiếng của Đại học Harvard, Nobel Kinh tế năm 2007. IEO 2021 do CH Latvia đăng cai và có 44 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia ở 3 phần thi Tài chính, Kinh tế học và Kinh doanh. Trong đó, phần thi Kinh tế học chiếm 50% tổng số điểm, gồm lý thuyết và toán kinh tế; còn phần thi Kinh doanh (25% tổng số điểm) gồm 10 phút thuyết trình và 10 phút hỏi đáp trực tiếp với hội đồng giám khảo bằng tiếng Anh.
Đội tuyển Việt Nam giành 2 HCĐ và đứng thứ 25/44 toàn đoàn. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 2/44 ở phần thi Tài chính, thứ 15/44 ở phần thi Kinh tế học. Riêng ở phần thi Kinh doanh với đề bài liên quan đến phục hồi sản xuất kinh doanh ô tô điện cho nước chủ nhà Latvia để chống biến đổi khí hậu, đội Việt Nam do chưa có kinh nghiệm nên chỉ xếp thứ 40/44. Thành tích của Việt Nam cho thấy Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã tổ chức tốt việc tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển quốc gia chỉ trong 2 tháng, dù chưa từng có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, thứ hạng và huy chương chỉ là một phần trong kết quả mà VNIES thu về khi tổ chức thử nghiệm cuộc thi Olympic Kinh tế Việt Nam VEO 2021 theo hình thức online và tuyển chọn được đội tuyển quốc gia trong điều kiện dịch COVID lên cao trào trong hai tháng hè. Theo số liệu của Ths Nguyễn Thanh Tâm (VNIES), ở vòng đầu, VEO 2021 đã thu hút hơn một ngàn học sinh trên cả nước đăng ký học online vì kiến thức kinh tế chưa có trong chương trình phổ thông hiện hành.
Đôi điều suy nghĩ
Olympic quốc tế là sân chơi ý nghĩa cho các học sinh tài năng và thành tựu của học sinh Việt Nam ở những sân chơi như thế này cần được tôn vinh, nhưng cũng không nên coi đó là thước đo cho chất lượng nói chung của nền giáo dục phổ thông vốn dành cho đa số học sinh. Việc số huy chương vàng Olympic năm nay hội tụ ở Trường Ams ở mức cao như vậy đã bộc lộ một số vấn đề lớn mà Bộ GD&ĐT cần chú ý giải quyết.
Trước hết, phải nói Vật lý Thiên văn là một lĩnh vực gần như bị bỏ ngỏ hoàn toàn trong giáo dục phổ thông và đại học ở nước ta nên việc học sinh Việt Nam đoạt giải cao ở IOAA 2021 chỉ chủ yếu khẳng định chúng ta có học sinh giỏi và thầy giáo giỏi. Mặt khác, việc trong 5 năm qua chỉ có khối chuyên Lý Trường Ams lập được đội tuyển Vật lý Thiên văn đại diện cho Việt Nam tham gia IOAA cho thấy gần 80 trường THPT chuyên khác trên cả nước không mấy quan tâm tới lĩnh vực này.
Xa xưa, “thông Thiên văn” từng là tiêu chí để đánh giá trí tuệ của người có học thức; còn ngày nay, cuộc đua giành ưu thế trên vũ trụ để xác lập vị thế kinh tế, chính trị, quân sự đã bước sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn trước rất nhiều và nếu như không có tri thức về Vật lý Thiên văn thì chúng ta “không có vé vào cửa”. Tôi muốn qua việc này chúng ta nhìn thấy lỗ hổng tri thức Vật lý Thiên văn của đa số thanh thiếu niên khi nhìn lên trời.
Các thành viên CLB Thiên văn Amstronomy tại USTH Space Day 2019. Ảnh: hn-ams.edu.vn
Ở Trường THPT Hà Nội-Amsterdam, có hai CLB STEM lớn có phòng thực hành riêng là CLB Thiên văn và CLB robot GART 6520. Trong ảnh: Phòng thực hành của CLB Thiên văn Amstronomy. Ảnh: hn-ams.edu.vn
Về Olympic Khoa học trẻ quốc tế IJSO, đây là cuộc thi cho học sinh U15 giỏi Khoa học tự nhiên. Với gần 400 thí sinh của 60 nước tham dự, IJSO là cuộc thi khó bởi kiến thức và cách tiếp cận liên môn Lý – Hoá – Sinh còn mới lạ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Có lẽ vì thế mà Bộ GD&ĐT chỉ dám giao nhiệm vụ này cho Hà Nội chứ không tổ chức tuyển chọn học sinh trên toàn quốc vì các tỉnh thành khác có thể chưa theo kịp. Cũng nói cho rõ là trong 10 năm Hà Nội tổ chức lập đội tuyển quốc gia đi thi IJSO thì hầu như chỉ có học sinh Trường Ams được tuyển – trước kia thỉnh thoảng còn có học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhưng mấy năm gần đây chỉ có học sinh Trường Ams. Nếu xét theo mục tiêu phải giành giải thưởng cao ở từng cuộc thi IJSO thì cách làm này của Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội là đúng vì nó hiệu quả. Tuy nhiên, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần có lộ trình tổ chức kỳ thi này ở quy mô quốc gia để tạo một sân chơi STEM bình đẳng, công bằng và thú vị, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa cách tiếp cận tích hợp liên môn trên quy mô cả nước theo đúng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Trong năm học 2022-2023 tới đây, khối lớp 10 sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó lần đầu tiên các nội dung kiến thức Khoa học máy tính được đưa vào ở mức độ làm quen. Vì Khoa học máy tính nằm trong số các chuyên đề tự chọn nên nguy cơ khá cao là các chuyên đề này không được chọn ở những nơi thiếu giáo viên và yếu kém về cơ sở vật chất. Theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tối thiểu phải có 1 robot giáo dục cho 8 học sinh học lập trình, tức là một phòng thực hành máy tính cho 40 học sinh cần được trang bị 5 robot, bên cạnh máy tính để bàn. Mỗi robot giáo dục có giá khoảng 2 triệu đồng, vậy cần 10 triệu đồng để mua robot cho phòng thực hành máy tính. Đây là một số tiền hoàn toàn không lớn với ngân sách của các trường THPT – nhiều nơi ở nông thôn và vùng cao đã hình thành được những phòng thực hành như thế mà không cần dùng đến ngân sách nhà nước. Và ngoài việc tổ chức cho học sinh học chính khoá, cần có thêm các câu lạc bộ robot để những học sinh không chọn chuyên đề Khoa học máy tính ở trên lớp vẫn có cơ hội xóa mù lập trình vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chuyển đổi số. Nếu như việc học sinh được học lập trình robot trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm của lãnh đạo UBND và ngành giáo dục các cấp thì nhiệm vụ xóa mù lập trình coi như được giải quyết.
Đỗ Hoàng Sơn