‘Trải thảm’ mời giáo sư về trường chuyên: Cần nhìn nhận thấu đáo từ nhiều phía

Ngày 16/03/2022

Một hoạt động của học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tại một cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình – Ảnh: Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

TTO – Trước dư luận xôn xao việc UBND tỉnh Hòa Bình có kế hoạch hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh tuần qua, chúng tôi giới thiệu bài viết của hai chuyên gia với cái nhìn từ hai phía và tạm khép lại đề tài này.

Một thử nghiệm chính sách

Những ngày này, dư luận đang xôn xao về đề xuất chính sách thu hút các giáo sư về dạy ở trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình. Thoạt nghe ai cũng phải ngạc nhiên vì xưa nay các giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là những người có năng lực nghiên cứu chuyên sâu nên chủ yếu làm việc ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu.

Các góc nhìn

Phản ứng phổ biến nhất của dư luận và đa số các nhà chuyên môn là phản đối và chỉ ra những bất hợp lý trong đề xuất này. Có thể thống kê các bất hợp lý đó thành các nhóm chính như sau:

1. Trường THPT chuyên cần các nhà giáo dạy học ở bậc phổ thông giỏi, chứ không cần các nhà nghiên cứu.

2. Năng lực lõi của các GS, PGS không phù hợp với đòi hỏi của công việc giảng dạy hằng ngày của trường phổ thông.

3. Chế độ ưu đãi lớn, lên đến 1 tỉ đồng, cũng không phải là tất cả vì các GS, PGS cần những điều kiện khác để làm việc.

Tất cả các lập luận này đều hợp lý, hợp logic và phần nào có cơ sở thực tế. Tuy nhiên, nếu bình tâm lại một chút và nhìn từ các góc nhìn khác nhau thì chúng ta sẽ không vội vã phản đối ngay như thế. Khi đó, chúng ta sẽ thấy đây có thể được coi là một thử nghiệm chính sách thú vị và có thể chúng ta sẽ ủng hộ thử nghiệm chính sách này.

Từ góc nhìn của tỉnh Hòa Bình, đây có thể được coi như là một cố gắng để tháo nút thắt cổ chai về nhân lực chất lượng cao – yếu tố tối cần thiết để phát triển không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn ở mọi lĩnh vực khác nữa. Cố gắng đó chúng ta nên ghi nhận và ủng hộ nếu được tiến hành hợp pháp, thay vì phản đối ngay tắp lự.

Từ góc nhìn của người lao động, tức các GS và PGS có ý định về làm việc tại trường phổ thông, ta sẽ thấy đó là quyền của mỗi cá nhân. Làm việc ở đâu là do cá nhân lựa chọn, dựa trên thỏa thuận của hai bên, miễn sao tuân thủ đúng các quy định của luật lao động hiện hành.

Nếu vì một lý do nào đó, ví dụ có GS nào đó có quê ở Hòa Bình và nay muốn về quê làm việc, đóng góp cho quê hương, thì đó là ý muốn chính đáng, chúng ta nên ủng hộ. Hoặc một trường hợp nào đó dù đã có học hàm học vị cao nhưng đã chán cuộc sống xô bồ nơi đô thành, nay muốn về một trường chuyên ở tỉnh để dạy học thì đó cũng là nhu cầu chính đáng.

Còn nếu xuất phát từ góc nhìn của nhà trường, ta sẽ thấy các trường chuyên trực thuộc các đại học hiện nay đều được giảng dạy bởi các GS, PGS. Đó là một trong các lý do để các trường này khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống các trường chuyên của cả nước.

Cá biệt có một số trường tư thục ở Hà Nội và TP.HCM đã mời các GS, PGS người nước ngoài đến tư vấn hoặc trực tiếp phát triển các chương trình giáo dục, đặc biệt là các chương trình quốc tế.

Không còn xa lạ

Sự xuất hiện và ảnh hưởng của một GS, PGS trong trường phổ thông không chỉ giới hạn trong việc dạy một môn học cụ thể mà còn ở việc góp phần nâng cao năng lực quản lý, đào tạo đội ngũ, đổi mới phương pháp, trở thành hình mẫu hoặc câu chuyện truyền cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp.

Như vậy, việc GS, PGS dạy học hoặc làm quản lý tại trường phổ thông đã không có gì lạ nữa.

Nhưng với đề xuất của tỉnh Hòa Bình, gần như ngay lập tức, dường như dư luận và các nhà chuyên môn đều không ủng hộ. Như vậy, có phải là chúng ta đã có định kiến, đã có phân biệt đối xử giữa một trường chuyên ở tỉnh và một trường chuyên ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Vì thế, cá nhân tôi cho rằng, đề xuất của tỉnh Hòa Bình là một thử nghiệm chính sách thú vị. Nếu đề xuất này được tiến hành hợp pháp, theo đúng trình tự của pháp luật thì chúng ta nên ủng hộ.

Đó là điều tốt không chỉ với việc làm chính sách mà còn thể hiện tinh thần bao dung trong giáo dục, khi chúng ta sẵn sàng ủng hộ những đề xuất giải pháp mới thay vì ngay lập tức ngăn cản nó.

Sau một thời gian triển khai, dù chính sách thành công hay thất bại thì cũng đều rất có giá trị để học hỏi. Các tỉnh khác và các nhà nghiên cứu chính sách giáo dục có thể tham khảo và điều chỉnh.

“Chiếc áo” quá rộng

Bệnh hình thức ở những người làm công tác quản lý rất đáng ngại hiện nay. Cứ thấy “cái áo” bằng cấp bên ngoài là quên đi cách tư duy nhìn vào bản chất bên trong.

Người ta có câu “Chiếc áo chẳng làm nên thầy tu”, trong trường hợp đề xuất của tỉnh Hòa Bình cho thấy “chiếc áo” GS, PGS quá rộng để có thể mặc vào để trở thành giáo viên trường chuyên.

Nguyện vọng cá nhân

Có những GS, PGS muốn được trực tiếp triển khai các phương pháp giảng dạy và các sáng kiến giáo dục mới ở cấp phổ thông thì đây lại là điều rất tốt, chúng ta cần cổ vũ. Chính GS Hồ Ngọc Đại, khi được sắp xếp để làm cán bộ quản lý cấp cao, đã từ chối để chọn dạy lớp 1, từ đó tạo cơ sở để triển khai chương trình công nghệ giáo dục của mình.

Giáo sư về trường phổ thông chuyên làm gì?

Câu chuyện thu hút nhân tài là GS, PGS, TS về Hòa Bình để dạy ở trường chuyên của tỉnh đang nhận được nhiều ý kiến, trong đó đa số không tán thành. Nhiều người thậm chí cho rằng đó là sản phẩm của bệnh “nổ”, bệnh thành tích, tính ăn thua ganh đua đã ngấm sâu vào trong tiềm thức của người làm trong ngành giáo dục lẫn sự thiếu hiểu biết về chính sách giáo dục, về chuyên môn và về luật pháp.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) trong giờ trình diễn thí nghiệm khoa học – Ảnh: WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Sứ mệnh của trường chuyên phải chăng là để giáo dục ra những công dân tương lai tài năng với năng khiếu đặc biệt được phát triển toàn diện hài hòa về thể chất và tinh thần, sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và đất nước?

Học sinh trường chuyên trong tương lai sẽ có thể là những nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh hoặc là những nhà nghiên cứu khoa học và cũng có thể là những thầy cô tài năng giúp cho các thế hệ học sinh sau mình phát triển.

Trường chuyên là nơi ươm mầm những tài năng của đất nước mà không phải chỉ là nơi để tổ chức bồi dưỡng đi thi đấu các giải quốc gia hay quốc tế. Nhận thức đúng điều đó để giúp cho trường chuyên làm tốt sứ mệnh của mình và điều quan trọng hơn là giáo dục vì lợi ích của chính học sinh, gia đình và cộng đồng mà không phải là lợi ích chính trị của người lãnh đạo ngành.

Vậy GS hay PGS có thể giúp cho học sinh của trường chuyên phát triển một cách toàn diện, khai thác tốt năng khiếu của các em để giúp các em trở thành nhân tài đích thực? Câu trả lời sẽ là không thực tế cả về chuyên môn lẫn luật pháp.

GS hay PGS nói chung (trừ những người trong ngành sư phạm) khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên dạy trường chuyên trong việc dạy các em về đạo đức, tư duy, cách học, truyền bá đam mê trong học tập… phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tiềm năng của các em bởi vì đó là những kiến thức và kỹ năng sư phạm dạy học ở bậc phổ thông mà các PGS, GS hay TS chưa từng trải nghiệm.

Mặt khác, nhiệm vụ của PGS, GS được quy định rất rõ tại quyết định số 37/2018/QĐ-TTg là làm công việc của giảng viên đại học, biên soạn chương trình, giáo trình, hướng dẫn luận văn, luận án TS, nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ…

Nói cách khác, bê những nhiệm vụ này của GS hay PGS về trường chuyên sẽ là việc làm trái pháp luật. Đó là chưa kể môi trường làm việc của GS, PGS đâu chỉ là vấn đề tiền nong ban đầu mà còn cả quá trình trả lương tháng cũng như không gian cho các sinh hoạt học thuật mà các tổ bộ môn hay nhóm chuyên môn trong trường chuyên của một tỉnh không thể nào đáp ứng nổi.

TS HOÀNG NGỌC VINH

Ban TT&SV