Phân tích dữ liệu giảng dạy và học tập: Xu hướng giáo dục 4.0

Ngày 05/11/2021

Làm sao thầy cô biết được học sinh đang gặp khó khăn ở đâu để kịp thời hỗ trợ và thiết kế bài giảng cho phù hợp? Khi chưa có công nghệ, giáo viên chẳng có cách nào khác ngoài đi hỏi từng học sinh – một cách làm tiêu tốn quá nhiều công sức, thời gian.

Từ Đại học NewYork (Mỹ), ThS Trần Thị Thùy Trang – chuyên ngành Thiết kế trải nghiệm học trên nền tảng số – đã chia sẻ về cách mà các giảng viên Mỹ sử dụng công nghệ để thấu hiểu sinh viên và thiết kế bài giảng cho phù hợp tại Webinar “Phân tích dữ liệu giảng dạy và học tập: Xu hướng giáo dục 4.0” được tổ chức gần đây.
ThS Trang lấy ví dụ về một giảng viên văn học ở Mỹ sử dụng mạng xã hội Perusall để cùng đọc và thảo luận tác phẩm văn học với sinh viên. Cùng với đó, giảng viên sẽ nhận được thông tin người đọc, thời gian đọc, các chú thích, chủ đề sinh viên thắc mắc, vấn đề chưa giải quyết được.
ThS Trần Thị Thùy Trang -chuyên ngành Thiết kế trải nghiệm học trên nền tảng sốtại ĐH New York. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, có thể đưa công cụ Zoom Scenes vào các phòng học để lấy dữ liệu và gửi cho giảng viên theo thời gian thực về các vấn đề như sinh viên nào đang phát biểu, phát biểu bao lâu.
Còn để kiểm tra sinh viên có làm bài tập về nhà đầy đủ hay không, giảng viên có công cụ Canvas, cung cấp thông tin khoá học, điểm số của từng lớp, từng sinh viên, số bài tập đã nộp, ai chưa nộp bài, ai nộp muộn… để kịp thời can thiệp, nhắc nhở.
Theo Ths Trần Thị Thuỳ Trang: “Các hệ thống quản lý học tập giúp giáo viên có cái nhìn tổng quan về kết quả học tập của người học. Tuy nhiên, các công cụ này có điểm yếu là mới chỉ đưa ra được báo cáo về số lượng đơn thuần chứ chưa đánh giá được chất lượng thật sự của sinh viên”. Đơn cử như với công cụ Zoom Scenes, báo cáo mới chỉ đánh giá được trình độ của học viên qua số lượng như số lần trao đổi, số phút phát biểu ý kiến chứ không đánh giá được chất lượng nội dung họ nói.
Ví dụ, một bạn không thích nói nhiều nhưng nói câu nào trúng câu đấy, nếu chỉ nhìn vào báo cáo, có thể đưa ra kết luận không chính xác là bạn này không tham gia tích cực vào buổi học.
“Điều này cho thấy những công cụ công nghệ chỉ nên là một phần của trải nghiệm học và không ai nên lệ thuộc vào dữ liệu và báo cáo mà các công cụ cung cấp” – Ths Trần Thị Thùy Trang nói.
Chiến lược dữ liệu cho trường học
Những ứng dụng nêu trên sẽ mang tới cho các tổ chức giáo dục vô số dữ liệu. Dù được ví như mỏ vàng nhưng thực tế, để tôi luyện chúng thành lợi ích kinh tế không phải chuyện dễ dàng. Bởi vậy, theo ông Trịnh Minh Giang – CEO của VTI Cloud, mỗi trường học, tổ chức giáo dục cần có chiến lược dữ liệu từ sớm. “Nếu không thu thập từ bây giờ thì sau này chúng ta không có gì để phân tích,” ông nói.
Với kinh nghiệm của người làm quản lý giáo dục 11 năm, ông Giang cho rằng, đơn vị trường học cần có chiến lược dữ liệu riêng với 3 mục tiêu, gồm hỗ trợ ra quyết định, tối ưu vận hành và đưa dữ liệu trở thành tài sản có giá trị để kinh doanh.
Theo đó, các tổ chức giáo dục cần thực hiện 3 bước. Một là tạo ra văn hóa dữ liệu, xây dựng ý thực xây dựng dữ liệu cho mọi thành viên trong tổ chức. Hai là phân loại dữ liệu theo phòng ban, bộ phận hoặc cá nhân. Ba là xác định các nguồn dữ liệu chưa được số hóa như tập bài giảng, sổ đầu bài, giấy tờ do phụ huynh ký… để có chiến lược số hóa hợp lý, đầy đủ.
“Đã tới lúc mà các quyết định trong trường học cần phải dựa trên dữ liệu thay vì sức người và cảm tính” – theo ông Giang. Đơn cử, nếu nhà trường sử dụng bảo vệ và cô giáo để quản lý việc người đón học sinh có phải người lạ hay không thì sẽ dễ có sai sót. Trong khi đó, nếu sử dụng công nghệ, sai sót gần như bằng 0 vì hệ thống sẽ chỉ nhận diện, mở cổng cho những gương mặt đã có trong dữ liệu.
“Có những việc mà hệ thống quản lý trường học có thể tự ra quyết định mà không cần đến con người” – ông Giang nói.
Ban TT&SV