Những nét chính trong báo cáo: Giáo dục Việt Nam chặng đường 2011 – 2020

Ngày 21/08/2021
Mới đây, tại Hội thảo “Giáo dục Việt Nam 2011-2020” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), UNESCO Hà Nội và Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia về Khoa học giáo dục phối hợp tổ chức, GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN đã trình bày báo cáo tổng quan phân tích ngành giáo dục sau 10 năm nỗ lực cải thiện chất lượng.
Theo GS Lê Anh Vinh, trên cơ sở báo cáo này và những góp ý tại Hội thảo, Viện KHGDVN sẽ tổng hợp lại hoàn thiện bản báo cáo để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó có những định hướng cho nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045.
Dưới đây là một số những nét chính trong báo cáo:
Bước tiến về phổ cập giáo dục
“Sau rất nhiều nỗ lực, giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến trong việc mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng cho các đối tượng người học. Những con số trải dài trong suốt 10 năm qua đã chứng minh điều đó”, GS.TS Lê Anh Vinh mở đầu phần báo cáo.
Báo cáo tổng quan giáo dục của Viện KHGDVN nêu rõ, trong 10 năm qua, số lượng học sinh giáo dục mầm non tăng mạnh, chủ yếu tại các cơ sở giáo dục, mầm non công lập. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã đạt được mục tiêu của Chiến lược giáo dục 2011-2020 là phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi vào năm 2017”, ông Lê Anh Vinh nhận định. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp ở trẻ ở độ tuổi đi nhà trẻ, ông cho rằng đây có thể sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm trong giai đoạn 2021-2030.
Trong khi đó, số lượng học sinh ở bậc tiểu học và THCS tăng nhẹ, ngược với xu hướng giảm nhẹ ở bậc THPT. Dự báo, hai chiều này có thể sẽ đảo ngược trong vòng 10 năm tới khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra ngày càng nhanh. Đáng lưu ý, tỷ lệ duy trì học sinh giữa các cấp học tương đối cao, nhưng tỷ lệ chuyển tiếp từ THCS sang THPT còn khá thấp.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của Việt Nam ở bậc tiểu học và THCS khá cao, lần lượt là 99% và 92%. Trong khi đó, ở bậc THPT, số lượng học sinh giảm nhẹ và tỷ lệ đi học đúng độ tuổi mới ở mức 72%. Tỷ lệ người học đại học tăng đáng kể trong vòng 20 năm qua, nhưng vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực. “Tỷ lệ người học đại học của chúng ta có tăng nhưng tăng khá chậm so với các nước khác. Nếu muốn hướng đến một nguồn nhân lực có trình độ cao thì chắc chắn chúng ta cần mở rộng hệ thống giáo dục đại học, mà vẫn đảm bảo vấn đề chất lượng”, ông Vinh nhận định.
Gần như không có bất bình đẳng về giới
Một điểm đáng chú ý đó là “Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo gần như không có bất bình đẳng về giới trong tiếp cận giáo dục”, ông Vinh cho hay. Điều này cũng được thể hiện thông qua kết quả PISA của Việt Nam, khi cách biệt về giới gần như không có và học sinh nữ có xu hướng đạt kết quả tốt hơn. Dù tỷ lệ nhập học ở bậc mầm non và tiểu học thấp hơn trẻ em trai, trẻ em gái lại thể hiện năng lực học tập tốt hơn so với trẻ em trai dựa trên các điểm đánh giá và mức độ chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn, do đó chiếm tỷ lệ học THPT cũng lớn hơn. Đến bậc đại học, tỷ lệ sinh viên nữ nhập học thậm chí chiếm hơn 50%.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong giáo dục vẫn có ở một số khía cạnh khác. Chẳng hạn, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với nhóm trẻ khuyết tật. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ học sinh khuyết tật, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng như kỳ vọng, trong đó số lượng học sinh tại các bậc học cao hơn đều giảm. Đến cấp THPT chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật.
Dựa trên số liệu thống kê giai đoạn 2016-2017 của UNICEF (2018), chỉ có 1,0% trẻ em khuyết tật hiện đang theo học tại các trường hoặc lớp học chuyên biệt. Tỷ lệ trường học có cơ sở vật chất và thiết bị vệ sinh phù hợp với học sinh khuyết tật chỉ đạt tương ứng 2,9% và 9,9%. Một phần tư trẻ em khuyết tật ở độ tuổi 2-17 thuộc hộ nghèo và cơ hội đến trường của các em thấp hơn 21% so với những trẻ phát triển bình thường. Trong số nhóm học sinh này, chỉ 55,5% nhận được các chế độ hỗ trợ như miễn, giảm học phí.
Tương tự, tình trạng bất bình đẳng tăng lên ở các bậc học cao hơn cũng thể hiện rõ rệt khi xét về khía cạnh vùng miền và dân tộc. “Kết quả PISA đã chỉ ra khá rõ sự chênh lệch về kết quả giữa vùng miền và điều kiện kinh tế”, ông Vinh nhấn mạnh. Đáng chú ý, khoảng cách chênh lệch về vùng miền có thể lên đến 30 điểm tương đương với thời gian học 1 năm trong nhà trường, “nghĩa là học sinh ở những vùng khó khăn hơn có thể bị thiếu hụt về lượng kiến thức, trải nghiệm thời gian học là 1 năm so với học sinh ở những vùng thành thị”. Đối với điều kiện kinh tế, khoảng cách này có thể lên đến 60 điểm, tức là khoảng 2 năm.
Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục còn thấp
Một tín hiệu tích cực khác, đó là giáo dục Việt Nam được đánh giá là một nền giáo dục có hiệu quả đầu tư ở cấp độ quốc gia cao so với các nước khác. Cụ thể, hiệu quả đầu tư được tính dựa trên so sánh điểm số thực tế của kết quả PISA Việt Nam và điểm số dự đoán theo mức thu nhập của Việt Nam và có sự chênh lệch hơn 130 điểm giữa hai loại điểm số. Mỗi 30 điểm tương đương với 1 năm học, tức là điểm thực tế của Việt Nam đã hơn mức điểm dự đoán là hơn 4 năm học. “Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam trong thời gian qua”, ông Lê Anh Vinh cho biết.
Xét về tỷ lệ hoàn vốn (rate of return – được tính dựa trên những số liệu về chi phí đầu vào cho giáo viên, cơ sở hạ tầng, chi phí cơ hội… với yếu tố đầu ra là mức thu nhập, phúc lợi… của sinh viên tùy theo các lĩnh vực sau khi ra trường), giáo dục đại học tại Việt Nam đạt hơn 15% – một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
“Đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước – thấp hơn so với mức 20% đã đề ra. Trong giai đoạn tới, cần đảm bảo thực hiện được mức chi 20% này”, ông Vinh lưu ý. Với mức này, đầu tư cho giáo dục Việt Nam tương đương 4,9% GDP cả nước, cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Cùng với đó, chi ngân sách nhà nước bình quân trên mỗi học sinh mầm non và phổ thông tương đối đồng đều. Tuy nhiên, chi ngân sách nhà nước bình quân trên mỗi sinh viên ở bậc đại học còn thấp so với quốc tế.
Tỷ lệ học sinh được miễn học phí ở các bậc THCS và THPT còn rất thấp, “dù chúng ta đảm bảo điều này khá tốt ở bậc tiểu học”, GS Lê Anh Vinh cho biết. Gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học, và đóng góp của gia đình tăng dần theo cấp học. Trong 24% tổng chi phí đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông (Tiểu học: 32%, THCS: 42%, THPT: 43%).
Trong thời gian tới, nước ta cần đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện nguồn nhân lực. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 ở mức rất cao. Tuy nhiên, với các quy định mới về chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý theo Luật Giáo dục 2019, một số lượng lớn giáo viên và cán bộ quản lý sẽ cần được nâng chuẩn.
Thêm vào đó, hiện nay vẫn còn tình trạng thừa/thiếu giáo viên tại cả vùng kinh tế thuận lợi và khó khăn. Nhìn chung, trên cả nước, mặc dù tỷ lệ học sinh/giáo viên thấp nhưng vẫn trên mức trung bình của OECD.
Tập trung vào những kỹ năng ứng phó với bất trắc trong tương lai
Tham gia tọa đàm, GS. Aaron Benavot, giảng viên Khoa Lãnh đạo và Chính sách Giáo dục, Đại học Albany (Mỹ), cho rằng báo cáo đã làm rõ những điểm mà hệ thống giáo dục chính quy của Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông, các chuyên gia vẫn chưa truyền đạt được thông điệp rằng cần phải huy động tổng thể sự tham gia của các bên ở cấp độ toàn quốc để giải quyết những vấn đề này.
Thêm vào đó, với kinh nghiệm từng là Giám đốc của Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu của UNESCO và trong các cơ quan và tổ chức phi chính phủ quốc tế khác, ông nhận thấy báo cáo vẫn chưa nhấn mạnh đầy đủ đâu là những vấn đề cấp bách cần đặc biệt tập trung trong tương lai. “Phần đầu báo cáo có ghi nhận rằng Việt Nam và nhiều quốc gia khác ngày càng dễ bị tổn thương do thiên tai và nhân tai, tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa đề cập đến việc làm thế nào để Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn trước những trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa”, ông cho biết. Những thiên tai và nhân tai này có khả năng ảnh hưởng lớn đến hạ tầng cơ sở dạy học, mức độ sẵn sàng đến trường của trẻ, hiệu quả trong công tác giảng dạy, lực lượng nhân sự…, từ đó làm trầm trọng thêm những thách thức.
Cùng với đó, báo cáo cũng chưa đề cập đến tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh những kỹ năng để các em có thể ứng phó với những bất trắc trong tương lai. “Đây là một nội dung rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Trước câu hỏi đâu là vấn đề nóng nhất, khó nhất của giáo dục Việt Nam trong 10 năm tới, GS. Aaron Benavot cho rằng đó là việc làm thế nào để cân bằng những yếu tố trong chương trình giáo dục. “Học sinh cần lĩnh hội những kiến thức về khoa học, kỹ thuật, toán học, cũng như những kỹ năng thế hệ mới; nhưng các em cũng cần biết về kỹ năng cảm xúc, khả năng chống chịu, thích nghi, khả năng tự giải quyết vấn đề, tự coi mình là công dân thế giới”, ông giải thích, “đó cũng là khía cạnh mà báo cáo chưa làm rõ khi bàn về nội dung giáo dục.”
Ban TT& SV