Gặp sự cố tự chủ về tổ chức nhân sự, gửi tâm thư đến Bộ trưởng – PGS Đỗ Văn Dũng

Ngày 22/12/2021

GDVN- Sau những sự cố không mong muốn xảy ra với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM về công tác nhân sự, PGS Đỗ Văn Dũng gửi tâm thư đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Nhà giáo Ưu tú – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh viết: “Trong thời gian gần đây, tại trường của chúng tôi xảy ra quá nhiều sự việc, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của Nhà trường và cả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là Giáo dục Đại học với trọng tâm là việc trao quyền tự chủ cho các đại học mà Luật 34 đã khẳng định.

Với hơn 35 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, 15 năm làm lãnh đạo Nhà trường, tôi thực sự lo lắng cho những thành quả đã đạt được của Nhà trường với công sức đóng góp của cá nhân tôi cùng toàn thể cán bộ viên chức Nhà trường đang bị một nhóm nhỏ cá nhân phá hỏng”.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, câu chuyện nhân sự phức tạp của trường bắt đầu từ sự kiện ông Lê Hiếu Giang (nguyên Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2013-2018) không được Hội đồng trường quyết định (theo đúng quy trình) vào chức vụ Hiệu trưởng. Tại thời điểm này, ông Lê Hiếu Giang chưa có Kết luận của Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn chính trị vì lúc đó đang là đối tượng của việc kiểm tra và đến tháng 6/2021, Kết luận 611/KL-BGDĐT ngày 25/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận là có hành vi vi phạm kỷ luật.

Hội đồng nhà trường ra nghị quyết về việc đề nghị công nhận Phó giáo sư Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy làm hiệu trưởng nhà trường trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo Phó Giáo sư Dũng là làm đúng luật, đúng trình tự.

Tuy nhiên, ngày 6/7, Bộ Giáo dục có công văn gửi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thông báo lý do không công nhận hiệu trưởng trường này.

Theo thầy Dũng, lý do không công nhận Hiệu trưởng được nêu tại công văn 2787/BGDĐT-TCCB ngày 06/07/2021 là không đúng với các quy định Pháp luật hiện hành.

Lý do không công nhận cho rằng: ngày 12/04 /2021 Cô Trương Thị Hiền có tư cách Phó Hiệu trưởng và Thường vụ Đảng ủy nếu không có Thông báo 07/HĐT (Thông báo Hội đồng trường không giao thực hiện chức trách nhiệm vụ Thẩm quyền Phó Hiệu trưởng cho Cô Hiền), vì có thông báo 07 nên Cô Hiền không được tham gia các bước trong quy trình chọn Hiệu trưởng và việc này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy trình.

Theo quan điểm của thầy Dũng: “Theo Nghị định 115 của Chính phủ, tại thời điểm 12/04/2021 cô Hiền đã hết thời hạn bổ nhiệm, không có quyết định bổ nhiệm lại, không có quyết định (Nghị quyết Hội đồng trường) giao nhiệm vụ thì không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của Phó Hiệu trưởng.

Về việc tại sao không giao thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền cho cô Trương Thị Hiền: Theo Luật Giáo dục Đại học, việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phải dựa trên đề xuất của Hiệu trưởng và phải đủ tiêu chuẩn theo quy định Pháp luật hiện hành (Thông báo số 1523/TB-BGDĐT ngày 3/12/2020 đã nêu cô Trương Thị Hiền chịu trách nhiệm việc thanh quyết toán kinh phí bù học phí sinh viên sư phạm không đúng quy định, đang chờ xem xét kỷ luật), tôi lúc đó với vai trò Hiệu trưởng chỉ đề xuất giao thực hiện nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng cho anh Lê Hiếu Giang mà không đề xuất giao cho cô Trương Thị Hiền vì cô Hiền không đủ tiêu chuẩn Phó Hiệu trưởng theo quy định trong Quy chế tổ chức hoạt động của trường (kể cả không đủ tiêu chuẩn về ngoại ngữ). Tôi không đề xuất cô Hiền là theo đúng quy định nên Hội đồng trường không có cơ sở (theo đúng luật) giao thực hiện nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng cho Cô Hiền”.

Cũng theo thầy Dũng, việc phán xét tính đúng sai của một thông báo thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường phải chăng đang can thiệp một cách quá thô bạo vào quyền tự chủ đại học của Hội đồng trường Đại học, gây mất niềm tin và uy tín của Bộ Giáo dục Đào tạo đối với các Thành viên Hội đồng Trường là các doanh nhân, nhà khoa học ngoài xã hội đang rất nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục, đóng góp cho những sự đổi mới nền giáo dục, xây dựng các trường Đại học tự chủ có uy tín.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng: “trong bối cảnh hàng loạt Luật mới ra đời đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, các trường Đại học tự chủ phải thay đổi tư duy, cách làm mới nhưng luôn tuân thủ các quy định Pháp luật là một bài toán không hề dễ cho các trường, trong khi đáng nhẽ các đơn vị quản lý tại Bộ Giáo dục và Đại học cần hỗ trợ, đặc biệt là các giải pháp để các trường hoạt động hiệu quả, phát huy tính tự chủ đúng theo quy định, thì không hiểu có vấn đề gì mà riêng với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh luôn bị làm khó mặc dù đó là các yêu cầu hướng dẫn để chúng tôi làm đúng quy định pháp luật, hỗ trợ chúng tôi tháo gỡ các khó khăn”.

Cũng trong tâm thư, Phó Giáo sư Dũng nêu sự việc liên quan đến Phó hiệu trưởng Lê Hiếu Giang (người không được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đã nêu ở trên).

Cụ thể, ông Lê Hiếu Giang ký văn bản có các điều khoản miễn trừ học phí cho các học viên được miễn học và miễn thi học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ, các quy định này sai quy chế đào tạo Thạc sĩ (việc miễn học và miễn thi học phần không được quy định trong quy chế) và vượt thẩm quyền. Việc ký văn bản vượt thẩm quyền và sai quy định pháp luật đã làm cơ sở để bộ phận sau đại học của phòng Đào tạo miễn giảm học phí sai quy định, dẫn tới thất thoát học phí Đào tạo thạc sĩ.

Hậu quả là Phòng Đào tạo miễn giảm trực tiếp học phí Cao học, số liệu tạm tính tổng số học phí thất thoát của 9.366 tín chỉ theo mức học phí trung bình của 3 năm 2018-2020 là 7.686.364.000 đồng.

Các số liệu minh chứng đã được báo cáo cụ thể, khi phản hồi dự thảo Kết luận Thanh tra, Nhà trường cũng có ý kiến phản hồi chính thức về điều này, nhưng Đoàn Thanh tra vẫn kết luận việc thất thoát học phí là không có cơ sở.

Trong quá trình thực hiện Kết luận 611/KL-BGDDT, việc Anh Lê Hiếu Giang để mảng đào tạo sau đại học (do Anh Lê Hiếu Giang trực tiếp phụ trách) cho phép người học hoàn thành các khóa học bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn đã học trước khi trúng tuyển Cao học, lấy kết quả các khóa học ngắn hạn chuyển điểm thành kết quả học các môn học khi học Thạc sĩ không có căn cứ pháp lý và sai quy định (đã được kết luận tại Kết luận số 611/KL-BGDĐT chỉ rõ) gây rất nhiều vấn đề phức tạp khi xử lý học vụ các tín chỉ đã chuyển điểm sai quy định này. Nhà trường theo kiến nghị tại Kết luận 611/KL-BGDĐT đã báo cáo và kiến nghị Vụ Giáo dục Đại học về biện pháp xử lý, nhưng dù đã gởi công văn 3 lần, không biết vì lý do gì mà Vụ không có công văn phúc đáp để nhà trường xử lý nghiêm.

“Khi còn là Hiệu trưởng, tôi đã ngăn chặn vấn đề này bằng các quyết định hủy bỏ các văn bản cho phép cấp chứng chỉ môn học sau Đại học, để không có cơ sở cho việc chuyển điểm, mặc dù vậy bất chấp việc không có chứng chỉ, Anh Lê Hiếu Giang vẫn để mảng đào tạo sau đại học cho chuyển điểm không có căn cứ. Thậm chí Anh Lê Hiếu Giang và một số lãnh đạo Phòng đào tạo, lãnh đạo các Khoa liên quan đến sai phạm này còn đòi tiếp tục chuyển điểm cho hơn 500 học viên khác, với hơn 14.000 tín chỉ dù đã có kiến nghị chấm dứt của Thanh tra từ KL 01/TTr-BGDĐT từ đầu năm 2018 và Kết luận 611/KL-BGDĐT ngày 30/06/2021.

Thực sự tôi vô cùng đau lòng trước các sự việc đã xảy ra trong khoảng thời gian vừa qua, Anh Lê Hiếu Giang chính là người tôi giới thiệu, đề xuất lên vị trí lãnh đạo Nhà trường khi tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng, là người tôi tin tưởng giao phó một trọng trách lớn phụ trách mảng đào tạo là mảng vô cùng quan trọng trong Nhà trường, vậy mà anh ấy đã để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng về quản lý đào tạo sau Đại học, làm thất thoát học phí cao học của Nhà trường”, thầy Dũng bày tỏ trong tâm thư gửi Bộ trưởng.

Trước những sự việc trên, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng nhận trách nhiệm về mình: “Tôi nghiêm khắc nhận trách nhiệm của mình khi để các sai phạm xảy ra trong quá trình tôi làm Hiệu trưởng, tôi đã tự nhận các kỷ luật hành chính một cách nghiêm khắc với tư cách nguyên Hiệu trưởng, tôi sẵn sàng nhận các kỷ luật nghiêm khắc trước Đảng và nhân dân với tư cách Đảng viên”.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẩn thiết mong Bộ trưởng xem xét lại các lý do đưa ra cho việc không công nhận chức danh Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có đúng quy định không, và thực hiện việc này theo đúng quy định Pháp luật để Nhà trường nhanh chóng có Hiệu trưởng, giải quyết nghiêm và nhanh chóng các hậu quả của các cá nhân sai phạm gây ra.

Trả lời tâm thư của Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn viết:

Tôi ghi nhận mối quan tâm của thầy với công việc của Trường và của Ngành. Đối với những vấn đề của Trường, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân tôi đã tin tưởng, ủy quyền cho Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng Đoàn công tác chỉ đạo giải quyết.

Những ý kiến phản ánh của Thầy, cùng rất rất nhiều ý kiến từ cán bộ, giảng viên của Trường mà Bộ nhận được qua các đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo trong thời gian qua và qua các buổi làm việc trực tiếp của Đoàn công tác trong tuần vừa rồi, mặc dù rất khác nhau, sẽ được lãnh đạo Bộ xem xét thấu đáo và chỉ đạo giải quyết công tâm, khách quan theo đúng quy định, dựa trên đầy đủ minh chứng.

Mong thầy với tư cách là một nguyên lãnh đạo Trường, trước hết là của một đảng viên, một nhà giáo tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong mọi công tác, góp phần sớm ổn định hoạt động của Trường”.

Linh Trang

Ban TT&SV