Cần có quy định đánh giá chất lượng cho đúng sau khi tiến sỹ được cấp bằng – PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Ngày 23/07/2021

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở Việt Nam hiện nay, chưa có một quy định cụ thể nào để đánh giá chất lượng của những tiến sĩ sau khi đã được cấp bằng.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, cần phải phân biệt rõ hai nhóm tiến sĩ, thứ nhất là tiến sĩ chuyên về nghiên cứu (PhD), khi tốt nghiệp thường giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, đăng bài báo quốc tế để đăng ký bản quyền cá nhân, chứng tỏ sản phẩm là của chính mình và cũng tăng xếp hạng ranking cho đơn vị.

Nhóm thứ hai liên quan đến nghề nghiệp (professional doctors), ví dụ như tiến sĩ về giáo dục trong lĩnh vực quản trị trường học, tiến sĩ về y khoa, tiến sĩ về quản lý kỹ thuật trong các nhà máy,… Họ không bắt buộc chuyên sâu về nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà thực hiện các công việc, chuyên môn sâu theo lĩnh vực ngành nghề của mình.

Do đó, yêu cầu và tiêu chí đánh giá đối với hai nhóm tiến sĩ này cũng khác nhau, nhóm thứ hai không cần phải có bài báo quốc tế.

Ở một số quốc gia trên thế giới, đối với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học và Viện nghiên cứu, nếu muốn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư thì họ phải đảm bảo được số lượng công trình nghiên cứu, bài báo xuất bản. Nếu trong vòng 5 năm không đáp ứng được tiêu chí đặt ra thì họ có thể bị đánh trượt. Publish or perish – Công bố hay là biến mất!

Sự cạnh tranh có tác động đến hoạt động nghiên cứu của mỗi nhà khoa học. Tiến sĩ chưa có việc làm thì họ đăng ký làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (post-doctorate), tiến sĩ có việc làm rồi họ vẫn phải thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tiếp tục tìm những hướng mới cho công trình của mình.

“Ở Việt Nam không quy định rõ ràng như vậy. Với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, nếu muốn đánh giá được chất lượng tiến sĩ thì cần phải có những quy định và tiêu chí đánh giá cụ thể.

Ví dụ, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tiến sĩ không có công trình nghiên cứu mới, không có công bố ở các tạp chí khoa học thì tấm bằng sẽ không còn giá trị. Và những nghiên cứu, những công bố như thế nào cũng cần phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng.

Bằng tiến sĩ cũng phải có thời hạn, nếu anh không đảm bảo hoàn thành những yêu cầu về hoạt động nghiên cứu thì tấm bằng sẽ bị xóa bỏ. Làm được điều này sẽ nâng cao chất lượng tiến sĩ.

Bản thân các trường đại học có thể ban hành quy chế, đặt ra yêu cầu đối với các tiến sĩ khi thực hiện công việc nghiên cứu. Thậm chí, các trường có thể đánh vào bài toán kinh tế. Một người có bằng tiến sĩ sẽ có mức lương cao hơn thạc sĩ, vậy nếu trong một năm, anh không có bài báo nào thì phần lương tăng thêm sẽ giảm dần. Đó cũng là một cách để đảm bảo và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Riêng với những tiến sĩ theo chuyên môn quản lý với tính chất và môi trường công việc khác thì có thể đánh giá theo hiệu quả công việc”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Theo thầy Dũng, mục tiêu học tiến sĩ ở nước ta hiện nay chủ yếu là để phục vụ công tác giảng dạy ở trường đại học, để đảm bảo một mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những người học vì danh tiếng, vì một “vị trí” công việc – đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các “lò ấp” tiến sĩ.

Bàn về chất lượng tiến sĩ, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng đề cập đến những khó khăn về môi trường nghiên cứu cho đến tiềm lực tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu là rất lớn. Thậm chí công nghệ nhanh chóng lạc hậu theo thời gian đòi hỏi chúng ta cần đổi mới liên tục. Vậy bài toán về kinh phí là vô cùng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển.

“Nhiều người làm nghiên cứu ở nước ngoài với môi trường rất tốt, phòng thí nghiệm của họ hằng năm được nhà nước, được các công ty hỗ trợ đầu tư.

Nhưng khi về Việt Nam, họ bị hụt hẫng, những người làm nghiên cứu đơn thuần về lý thuyết cơ bản thì vẫn tiếp tục được, còn nghiên cứu liên quan đến các thiết bị thí nghiệm thì vô cùng khó khăn vì chúng ta chưa có sự đầu tư công nghệ, thiết bị,…

Trong khi đó ở trường đại học, nhiều thầy cô đã hài lòng với mức thu nhập từ giảng dạy nên không còn tha thiết công việc nghiên cứu, có thầy cô muốn làm nghiên cứu cũng không có môi trường để làm. Một bộ phận tiến sĩ giỏi, thực sự có năng lực tốt thì họ đi làm bên ngoài, thực hiện chuyển giao công nghệ, thành lập công ty, thu nhập còn cao hơn từ việc giảng dạy nghiên cứu.

Đó chính là thực trạng về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Bài toán đặt ra là làm sao để có một môi trường tốt nhất để nhà khoa học làm nghiên cứu”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhận định.

Mặc dù chúng ta có quy định giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhưng quy định đó chưa đủ để đảm bảo chất lượng tiến sĩ.

Một mặt, quy định này vừa khuyến khích hoạt động nghiên cứu để tăng số lượng công trình, bài báo khoa học.

Mặt khác cũng xuất hiện tiêu cực như một số người không có khả năng nghiên cứu hoặc do không đảm bảo điều kiện về kinh phí, trang thiết bị mà không thể làm nghiên cứu nên sẽ cố tình gian dối, đứng tên chung với sản phẩm, công trình của người khác hoặc thực hiện những đề tài cũ để hợp thức hóa số điểm, đảm bảo thời lượng nghiên cứu.

“Chính vì vậy, ngoài việc ban hành những quy định đánh giá chất lượng tiến sĩ thì nhà nước cũng phải có vai trò trong việc đầu tư, tạo một môi trường tốt nhất để các nhà nghiên cứu được sáng tạo và nghiên cứu thực sự”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.
Ban TT&SV